Chiều 16/3, Đại biểu Quốc Hội Đồng Ngọc Ba (Bình Định) đặt vấn đề về đầu cơ đất đai đã được nhận diện nhiều năm nhưng hiện vẫn còn phức tạp. Giải pháp cụ thể theo hướng những người sử dụng nhiều đất mà nhà, đất bỏ hoang thì bị đánh thuế cao. Tuy nhiên, sau 3 năm vẫn chưa đề xuất được chính sách này.
Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà cho việc này phải sửa trong Luật Thuế, Luật Đất đai. Ông Hà nêu trong phần trả lời đại biểu, nếu thời gian chưa sử dụng kéo dài thì phải có biện pháp đánh thuế tránh găm, đầu cơ, trục lợi. Thuế này tăng như thế nào tới đây sẽ bàn tiếp.
Ông Hà dẫn chứng ở Mỹ người dân rất e ngại khi có nhà mà không ở, không cho thuê, kể cả đất ở, dự án không đầu tư, đất nông nghiệp không sử dụng vẫn phải đánh thuế sử dụng. Còn người có 5-6 nhà mà không ở, không mang lại hiệu quả cho xã hội như không cho thuê, kinh doanh, thương mại... phải đánh thuế.
"Phải đánh thuế lũy tiến thế nào để nhà đầu tư tính toán lợi ích của họ", ông Hà nêu thêm.
Thực tế không chỉ Mỹ mà nhiều quốc gia đã sử dụng công cụ thuế bất động sản đánh vào các chủ sở hữu. Tại Singapore còn có lộ trình tăng thuế hướng đến người càng giàu, giá trị vật chất sở hữu càng cao thì chịu thuế suất càng cao.
Tuy nhiên đó là tính trên mặt chính danh, ở bên ngoài ánh sáng. Còn thực tế đằng sau những điều đúng đắn đó dường như mọi chuyện trở nên khác hẳn.
Câu nói mà nhiều người đi mua nhà, bất kể đầu tư hay người sở hữu mục đích để ở, luôn hỏi bên bán là ai đóng thuế hoặc ai làm giấy tờ. Một số loại thuế hiện hành có phân định phần ai nấy đóng. Tuy nhiên, phần thuế phí này luôn trở thành câu chuyện kỳ kèo giữa hai bên mua và bán.
Thậm chí, trong một số trường hợp, nó còn là nguyên nhân khiến thương vụ bất thành vì không thống nhất được các khoản thuế, phí.
Nhiều người đều biết câu chuyện khai giảm giá trị bất động sản chuyển nhượng để chỉ mong đóng thuế thấp hơn. Nhưng hạ xuống bao nhiêu lại là câu chuyện do người tư vấn, nhân viên môi giới vạch ra hoặc là ý định của ngay từ người mua.
Tất cả từ giá gốc ban đầu đội thêm thuế phí cấu thành nên giá trị mới của ngôi nhà. Chưa kể giá trị bất động sản gia tăng theo thời gian. Ngôi nhà vẫn chỉ có như vậy, công năng không thay đổi, thời gian sử dụng còn lại bị giảm do khấu hao hoặc theo giấy phép xây dựng nhưng lại được bán với giá ngất ngưỡng. Đó chính là bài toán căn cơ cần giải quyết để người dân dễ dàng tiếp cận, sở hữu nơi an cư.
Nếu có thêm thuế bất động sản thì thị trường sẽ thêm nóng vì giá có thể tăng.
Thêm thuế bất động sản gây áp lực cho người mua nhà để ở
Nếu loại thuế bất động sản như vị bộ trưởng nói thành hiện thực thì tôi e rằng người chịu thiệt cuối cùng vẫn là người tiêu dùng cùng cuối. Người mua dự án sẵn sàng bán lại cho người thứ hai với giá tăng gấp đôi. Dự án thành hình, cất nóc, giá đội lên gấp ba. Sang nhượng cho người thứ tư, giá lúc này thêm gấp khoảng 3,5 lần.
Lúc này, người chủ thứ tư xác định đây là ngôi nhà thứ hai nên để không đó, chỉ để trống và xem như làm của để dành. Ông để qua 4 năm, giá trị của riêng tài sản tăng gấp 5-7 lần. Thuế đánh vào hành vi găm giữ, đầu cơ cho 4 năm.
Đến năm thứ 5, ông này muốn bán thì thuế kia chắc chắn sẽ nằm trong phần tổng báo giá cho khách hàng mua nhà cho mục đích để ở. Người làm kinh doanh thì chắc chẳng ai dại để bản thân chịu thiệt đâu! Người thiệt chính là người muốn ở thật sự.
Ông cha ta hồi xưa thì phải "tậu trâu, cưới vợ, làm nhà". Nhưng hiện tại mua nhà đã được nhiều người đặt lên trên hết. Nhu cầu của thị trường rất lớn, cung luôn không đủ cầu. Đó chính là lý do vì sao giá nhà luôn trên trời. Nhiều người làm cả đời không thể mua nổi một ngôi nhà.
Giờ thử hỏi gánh thêm một loại thuế bất động sản mới thì hỡi ôi, khi nào chúng tôi mới có thể mua được nhà!