Sở GDCK Hà Nội đã ra thông báo về việc hủy đăng ký giao dịch đối với cổ phiếu của CTCP Thép Đà Nẵng (mã chứng khoán DNS). Theo đó toàn bộ 21,6 triệu cổ phiếu DNS sẽ hủy đăng ký giao dịch trên Upcom từ 13/7/2021. Cổ phiếu DNS sẽ giao dịch phiên cuối ngày 12/7/2021.
Nguyên nhân do CTCP Thép Đà Nẵng hủy tư cách công ty đại chúng theo thông báo ngày 11/6/2021 của UBCKNN.
Câu chuyện hủy tư cách công ty đại chúng của Thép Đà Nẵng
Cơ cấu cổ đông lớn của Thép Đà Nẵng tại thời điểm công ty chốt danh sách cổ đông tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2021 có tỷ lệ sở hữu cổ đông lớn chiếm 97,15% số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành, nằm trong tay 2 cổ đông lớn là Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel - mã chứng khoán TVN) và Công ty TNHH Thép An Hưng Tường. Số còn lại do 158 cổ đông khác nắm giữ.
Theo quy định, công ty đại chúng là một công ty cổ phần phần thuộc một trong hai trường hợp: Công ty có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên và có tối thiểu 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữu; Công ty đã thực hiện chào bán thành công cổ phiếu lần đầu ra công chúng qua đăng ký với UBCKNN.
Căn cứ luật chứng khoán năm 2019 quy định, công ty đại chúng có cổ phiếu đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trước ngày luật này có hiệu lực, mà vẫn đáp ứng điều kiện theo luật chứng khoán trước đó thì không bị hủy tư cách công ty đại chúng, không bị hủy niêm yết, đăng ký giao dịch trừ trường hợp Đại hội cổ đông có quyết định khác.
Như vậy, trường hợp của Thép Đà Nẵng, việc hủy tư cách công ty đại chúng là không nằm trong trường hợp bắt buộc, mà thuộc quyết định khác của Đại hội cổ đông.
Trở lại với câu chuyện, tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2021 tổ chức ngày 23/4/2021 của Thép Đà Nẵng, Hội đồng quản trị công ty đã có tờ trình về việc xin hủy tư cách công ty đại chúng. Kết quả, trong tổng số 21.110.338 cổ phần tham gia biểu quyết tại Đại hội, có 14.380.229 cổ phần tán thành, chiếm tỷ lệ 68,12% số cổ phần biểu quyết dự họp. Số cổ phần biểu quyết không tán thành là 6.730.109 cổ phần, chiếm tỷ lệ 31,88%. Theo điều lệ công ty, tờ trình về việc xin hủy tư cách công ty đại chúng đã được thông qua.
Đáng chú ý, số cổ phần bỏ phiếu không tán thành đúng bằng số cổ phần do Tổng công ty Thép Việt Nam – VnSteel sở hữu. Đồng nghĩa với việc VnSteel phản đối việc Thép Đà Nẵng rời sàn chứng khoán.
Trước đó năm 2016 VnSteel từng lên phương án thoái vốn tại Thép Đà Nẵng và loạt công ty con, công ty liên kết khác. Trong đó muốn bán thỏa thuận qua sàn UpCOM toàn bộ hơn 6,73 triệu cổ phần DSN chiếm 31,16% vốn điều lệ Thép Đà Nẵng do TVN sở hữu với giá khởi điểm 8.800 đồng/cổ phần và không thấp hơn mức giá sàn cổ phiếu DSN tại ngày chuyển nhượng. Dự kiến thu về tối thiểu hơn 59 tỷ đồng. Tuy nhiên việc thoái vốn bất thành.
Thêm một tờ trình mà VnSteel bỏ phiếu không tán thành
Không chỉ không đồng ý tờ trình về việc hủy tư cách công ty đại chúng, VnSteel cũng đã bỏ phiếu không tán thành Báo cáo kết quả hoạt động đầu tư năm 2020 và Kế hoạch đầu tư năm 2021 của Hội đồng quản trị. Tuy vậy, nhờ 68,12% tổng số cổ phần dự họp tán thành, nên tờ trình này đã được thông qua.
Nội dung tờ trình, ngoài kết quả đầu tư năm 2020, thì kế hoạch đầu tư năm 2021 ghi rõ, ngoài việc hoàn thành các dự án chuyển tiếp của năm 2020, thì công ty sẽ đầu tư một số hạng mục mang tính bắt buộc để đảm bảo yêu cầu về môi trường và hạng mục thiết yếu để phục vụ công tác sản xuất như:
-Công trình xây dựng mặt bằng và cải tạo, nâng cấp dây chuyền xử lý chế biến xỉ.
-Mua sắm 01 xe ô tô con thay thế xe ô tô đã quá cũ thường xuyên hư hỏng, chi phí sửa chữa lớn.
-Đầu tư một số hạng mục công việc nâng cấp xưởng chứa liệu và di dời nhà máy nén khí. Các công trình nhằm đảm bảo cung cấp liệu khô vào mùa mưa phục vụ cho sản xuất và hạn chế ảnh hưởng bụi đối với hệ thống máy nén khí của công ty.
Tổng mức đầu tư cho các dự án triển khai mới năm 2021 khoảng 11,2 tỷ đồng và các hạng mục chuyển tiếp từ năm 2020 khoảng 12,39 tỷ đồng.
Cơ cấu cổ đông của Thép Đà Nẵng
Cổ đông lớn nhất hiện tại của Thép Đà Nẵng là Công ty TNHH Thép An Hưng Tường – công ty do ông Nguyễn Bảo Giang, Chủ tịch HĐQT của Thép Đà Nẵng làm Chủ tịch Hội đồng thành viên. Trước đó tháng 6/2018 Thép An Hưng Tường mua thêm gần 8,6 triệu cổ phiếu DNS, nâng tổng lượng sở hữu lên gần 13,95 triệu đơn vị (tỷ lệ 64,58%), trong số này có hơn 7 triệu cổ phần là từ ông Nguyễn Bảo Giang chuyển nhượng qua. Và tháng 8/2018 mua thêm 305.399 cổ phiếu, nâng lượng sở hữu sau giao dịch lên 14.254.013 cổ phiếu (tỷ lệ 65,99%) như hiện nay.
Việc Thép Đà Nẵng dùng số phiếu của cổ đồng lớn nhất để hủy tư cách công ty đại chúng, rời sàn chứng khoán đã thu hẹp cửa thoái vốn của VnSteel.
Thời điểm rời sàn của Thép Đà Nẵng
Năm 2020 Thép Đà Nẵng đạt 1.403 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 41,6% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế ghi dương gần 5,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ gần 46 tỷ đồng. Thêm vào đó quý 1/2021 vừa qua Thép Đà Nẵng lại tiếp tục đạt 406 tỷ đồng doanh thu, tăng trên 42% so với quý 1 năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 39,7 tỷ đồng, vừa vặn xóa hết lỗ lũy kế trước đó.
Trước thông tin khả quan về kết quả kinh doanh, cổ phiếu DNS bất ngờ tăng mạnh từ 19/4/2021 – đánh dấu bằng chuỗi 11 phiên tăng trần liên tiếp, đưa cổ phiếu này từ việc duy trì giao dịch dưới mệnh giá ở mức 9.400 đồng/cổ phiếu lên đến 49.100 đồng/cổ phiếu – tương ứng tăng gấp 5 lần chỉ sau 11 phiên giao dịch. Trong đó phiên tăng trần đầu tiên ngày 19/4 kịch biên độ gần 40% do đã hơn 6 tháng liên tiếp trước đó không có giao dịch khớp lệnh.
Tăng sốc, nhưng giảm cũng nhanh, sau gần 2 tháng, hiện DNS đã giảm xuống còn 22.000 đồng/cổ phiếu – tuy vậy vẫn rất cao so với thời điểm bắt đầu tăng giá.
Thép Đà Nẵng chọn rời sàn khi kết quả kinh doanh khởi sắc, giá cổ phiếu tăng mạnh và thanh khoản thị trường được cải thiện rõ rệt.