Giá thép và quặng sắt kỳ hạn của Trung Quốc đi lên trong ngày 25/6. Than luyện cốc và than cốc cũng đều tăng gần 5% so với đầu tuần trong bối cảnh nhu cầu tăng tại các nhà máy và nguồn cung khan hiếm.
Giá than cốc tại sàn giao dịch Đại Liên giao tháng 9, tăng 1,1% lên 2.827 nhân dân tệ/tấn (438,21 USD/ tấn). So với đầu tuần, giá mặt hàng này tăng 5%.
Giá than luyện cốc kỳ hạn trên sàn Đại Liên giảm 0,2% xuống 2.045 nhân dân tệ/tấn (317 USD/tấn), nhưng tăng 4,6% từ đầu tuần.
Theo thông tin khảo sát từ MySteel, tồn kho than luyện cốc của 100 nhà máy luyện cốc và 110 nhà máy thép giảm 3,2% so với một tuần trước, xuống 15,7 triệu tấn vào ngày 24/6. Nguyên nhân là nguồn cung khan hiếm trong bối cảnh Trung Quốc thanh tra sản xuất an toàn và bảo vệ môi trường.
Giá quặng sắt kỳ hạn tăng 1,2% lên 1.185 nhân dân tệ/tấn (184 USD/tấn) so với ngày 24/6. Thép cây xây dựng trên sàn giao dịch Thượng Hải, giao tháng 10, tăng 1,8% lên 5.066 nhân dân tệ/tấn (785 USD/tấn).
Giá thép cuộn cán nóng, được sử dụng trong lĩnh vực sản xuất, tăng 1,8% lên 5.288 nhân dân tệ/tấn (820 USD/tấn).
Hợp đồng thép không gỉ kỳ hạn giao tháng 8 tại Thượng Hải tăng 1,8% lên 16.750 nhân dân tệ/tấn (2.595 USD/tấn).
Tổ chức xếp hạng tín dung Fitch Solutions nhận định giá quặng và thép đi lên vì nhu cầu mạnh từ ngành thép và các vấn đề về nguồn cung tại Trung Quốc.
Trong một diễn biến khác liên quan đến các doanh nghiệp sản xuất kim loại, khai thác mỏ lớn trên thế giới, ông ty thép hàng đầu thế giới tại Trung Quốc, Baowu Steel Group, cho biết ngày 24/6, đơn vị thép không gỉ TISCO Group của họ đã hợp tác với công ty khai thác mỏ của Brazil - Vale - và Shandong Xinhai Technology để sản xuất gang niken ở Indonesia.
Trước đó, Trung Quốc có kế hoạch giải phóng kho dự trữ kim loại nhằm hạ nhiệt đợt tăng giá đột biến về giá hàng hóa khiến biên lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp giảm xuống.
Trung Quốc là nước tiêu thụ quặng sắt đường biển lớn nhất thế giới, khoảng 70% sản lượng toàn cầu.
Trong năm 2020, Trung Quốc là nước có sản lượng quặng lớn thứ 3 thế giới với 340 triệu tấn, đứng sau Australia (900 triệu tấn) và Brazil (400 triệu tấn). Các nước đứng thứ 4 và thứ 5 lần lượt là Ấn Độ (230 triệu tấn) và Nga (95 triệu tấn).