Nhu cầu tiêu thụ thép điên cuồng tới nỗi các nhà máy sản xuất tại Mỹ phải dừng nhận đơn hàng trong vài tuần gần đây, theo Dan DeMare, giám đốc bán hàng của Heidtman Steel Products Inc. Ông cho biết các nhà máy có thể sẽ không nhận đơn hàng mới cho tới cuối mùa hè để có thể giải quyết các công việc tồn đọng.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang bị rúng động bởi tình trạng thiếu cung và nguy cơ lạm phát, động thái của các nhà máy thép có thể là tín hiệu cho thấy việc giao hàng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn và giá thép, mặt hàng chủ chốt của nhiều ngành công nghiệp, sẽ lên cao hơn. Trên toàn thế giới, mỗi người sử dụng gần 227 kg thép mỗi năm, từ kẹp giấy, ôtô tới các tòa nhà chọc trời hay lò nướng bánh.
Nhu cầu tiêu thụ thép điên cuồng tới nỗi các nhà máy sản xuất tại Mỹ phải dừng nhận đơn hàng trong vài tuần gần đây. Ảnh: Bloomberg.
Giá thép tại Mỹ tăng gấp 3 lần trong 12 tháng qua bởi nền kinh tế lớn nhất thế giới phục hồi nhanh hơn dự kiến, khiến các nhà sản xuất cũng phải ngạc nhiên. Giá thép tương lai tại Trung Quốc cũng chạm mốc kỷ lục sau khi cơ quan chức năng cam kết giảm sản lượng để kiểm soát khí thải. Giá cũng tại mạnh tại thị trường châu Âu, nên nhập khẩu thép có lẽ chỉ tăng một lượng nhất định ngay cả khi Mỹ dỡ bỏ thuế quan dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Phil Gibbs, chuyên gia phân tích tại Keybanc Capital Markets, cho biết trong gần 15 năm nghiên cứu lĩnh vực thép, ông chưa bao giờ chứng kiến đà tăng “điên rồ” tới vậy của mặt hàng này.
Mặc dù khắp thị trường hàng hóa đều tăng giá, song việc giá thép tại Mỹ tăng 220% trong năm qua đã đánh bật những mặt hàng có giá trị cao khác như đồng và dầu thô. Chỉ số theo dõi các công ty thép của Standard&Poor’s, gồm Nucor Corp., Cleveland-Cliffs Inc. và U.S. Steel Corp.,tăng 69% trong năm 2021 và là chỉ số tăng mạnh nhất trong 5 tháng đầu năm nay.
Đà tăng này dường như là điều không thể tưởng tượng nổi đối với các công ty thép vào 10 tháng trước khi mà họ cho rằng ít nhất phải tới năm 2022, nhu cầu thép mới trở về mức trước đại dịch. Việc các nhà máy thép phục hồi nhanh chóng nhưng sản xuất chậm chạp đã kéo giảm lượng hàng tồn kho vốn luôn ở mức thấp trong đỉnh điểm của đại dịch Covid-19.
Gỗ xẻ, thị trường mà các nhà sản xuất cũng đang chật vật để đáp ứng nhu cầu tăng đột biến, là một trong số ít vật liệu có mức tăng như thép.
Carl Harris, người đã hoạt động trong lĩnh vực xây dựng suốt 36 năm và là giám đốc của Harris Homes, cho biết ông đang xem xét tác động của việc tủ lạnh, lò nướng và máy rửa bát bị giao hàng chậm. Thời gian giao hàng bình thường là 2 – 3 tuần, giờ đã phải lên tới nửa năm ở nhiều khu vực, ông nói.
Sự chậm trễ này có nghĩa là Harris không thể lắp đặt các gói thiết bị gia dụng để tiếp thị những ngôi nhà mới xây dù các phần khác đã được hoàn thiện. Theo ông, các công ty xây dựng nhà khác trong khu vực cũng đang gặp vấn đề trong việc lắp đặt hệ thống nước vốn là những thứ phải có trước khi giấy chứng nhận cư trú được cấp.
“Đồ gia dụng cần sử dụng rất nhiều thép để sản xuất vì vậy chúng tôi đang phải đối mặt với một lượng việc tồn đọng rất lớn”, ông Harris chia sẻ.
Diễn biến giá thép tại Mỹ và châu Âu. Ảnh: Bloomberg. |
Mọi thứ thậm chí càng đắt đỏ khi xét đến lĩnh vực khoan dầu, do giá thép, xi măng… đều tăng mạnh, đẩy chi phí thăm dò dầu lên cao, theo Citigroup. Thép sử dụng để sản xuất ống khoan được sử dụng ở các mỏ dầu mới có thể tăng khoảng 50% trong năm 2021.
Lĩnh vực ôtô cũng phải đối mặt với tình trạng tương tự. Theo ban lãnh đạo của Ford Motor, giá hàng hóa tăng chủ yếu trên thị trường nhôm, thép và kim loại quý. Công ty này dự đoán thị trường hàng hóa sẽ đón nhận thêm 2,5 tỷ USD từ quý II đến quý IV năm nay và điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lĩnh vực ôtô, ông John T. Lawler, giám đốc tài chính của Ford, cho biết.
Giá hàng hóa tăng mạnh có nguy cơ khiến người mua chùn bước hoặc tìm kiếm sản phẩm thay thế nếu có thể.
“Ở một mức độ nào đó, điều này có thể hủy hoại nhu cầu”, ông Gibbs của Keybanc nói.
Tuy nhiên, có một số dấu hiệu cho thấy tình trạng khan hiếm nguồn cung có thể được cải thiện.
Các nhà sản xuất thép tại Mỹ dự kiến nâng công suất thêm 4% so với hiện tại, tương đương khoảng 4,6 triệu tấn/năm vào cuối năm 2022, theo chuyên gia Andrew Cosgrove của Bloomberg Intelligence. Còn tại Trung Quốc, chính phủ thường xuyên nhắc lại cam kết hạn chế sản xuất từ cuối năm ngoái, nhưng các nhà máy thép vẫn đang ghi nhận mức sản lượng chưa từng có.
Tuy vậy, những ai muốn mua được thép ngay thì vẫn phải trả nhiều tiền hơn và phải chờ đợi lâu hơn. “Hàng có sẵn không có nhiều. Các nhà máy thép đang hạn chế nhận đơn, giới hạn số lượng đơn hàng để họ có thể sản xuất cho kịp”, ông DeMare của Heidtman Steel cho hay.