Tổng thống Donald Trump hôm thứ năm tuyên bố sẽ đánh thuế cao đối với thép và nhôm nhập khập vào Mỹ nhằm bảo vệ ngành luyện kim trong nước. Ông Trump cho biết lệnh thuế 25% với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu sẽ chính thức được công bố vào tuần tới mặc dù các quan chức Nhà Trắng cho rằng một số chi tiết trong sắc lệnh cần thảo luận thêm.
Ông Trump tin rằng hàng rào thuế quan này sẽ giúp bảo vệ việc làm người dân Mỹ đặc biệt là công nhân ngành thép.
Việt Nam là một trong 12 nước sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sắc lệnh này, theo đề xuất của Bộ Thương mại Mỹ hồi giữa tháng 2.
Cụ thể Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross đưa ra 3 lựa chọn là áp dụng đồng loạt mức thuế 24% đối với toàn bộ các nước xuất khẩu thép sang Mỹ.
Phương án thứ 2 là áp dụng mức thuế thấp nhất là 53% đối với thép nhập khẩu từ 12 quốc gia là Brazil, Trung Quốc, Costa Rica, Ai Cập, Ấn Độ, Malaysia, Hàn Quốc, Nga, Nam Phi, Thái Lan, Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ. Những quốc gia có thể không được phép xuất khẩu nhiều thép hơn năm 2017.
Phương án cuối cùng là cắt giảm thép nhập khẩu vào Mỹ- quốc gia nhập khẩu thép lớn nhất thế giới- khoảng 37% từ tất cả các nước.
Nhiều người đặt ra câu hỏi liệu rằng ngành thép Việt Nam có chịu nhiều tác động khi lệnh thuế của ông Trump chính thức có hiệu lực.
Theo Báo cáo của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng việc áp thuế nếu xảy ra sẽ không ảnh hưởng quá tiêu cực lên các nhà xuất khẩu thép niêm yết. Thậm chí, việc Mỹ đánh thuế nhập khẩu cho thép Trung Quốc có thể là tin vui và là động lực cho sự phát triển theo chiều sâu của ngành thép nội địa.
Ảnh: TTXVN
Quay trở lại năm 2015, Trung Quốc bán phá giá thép khiến giá nguyên liệu xây dựng này giảm mạnh dẫn đến Mỹ buộc phải áp 14 loại thuế chống bán phá giá (CBPG) và 10 loại thuế tự vệ lên sắt thép Trung Quốc chỉ trong hai năm 2016 và 2017. Trung Quốc buộc phải tìm cách tiêu thụ lượng thép dư thừa bằng việc đẩy mạnh xuất khẩu vào các nước ASEAN. Trong đó, Việt Nam nổi bật bởi vừa có nhu cầu thép tăng trưởng mạnh, đồng thời là một xưởng gia công thép xuất khẩu đi rất nhiều nước, trong đó có Mỹ.
"Vì vậy, Việt Nam cũng nằm trong “tầm ngắm” của chính phủ Mỹ, khi nước này cho rằng Trung Quốc có thể đang dùng Việt Nam để né thuế phòng vệ thương mại.", VDSC nhận định.
Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn báo Người Đồng Hành tại "Hội nghị Tổng kết 2017- Đối thoại công nghiệp thép Việt Nam và thế giới năm 2017- dự báo 2018" diễn ra hồi cuối tháng 1, ông Nguyễn Văn Sưa- Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết "Con số 90% số lượng thép Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ đội lốt thép Việt Nam là sai lệch, thực tế không đến mức đó và chỉ chiếm một lượng nhỏ".
Mới đây, Bộ Công Thương Việt Nam lên tiếng đã đề nghị Chính phủ Mỹ cân nhắc kỹ lưỡng việc áp dụng lệnh này đối với Việt Nam. Theo đó, Bộ Công Thương cho rằng nhập khẩu thép và nhôm từ Việt Nam chỉ chiếm một tỷ trọng không đáng kể trong tổng nhập khẩu thép và nhôm của Mỹ.
>> Xem thêm:90% lượng thép Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ đội lốt thép Việt Nam là sai lệch
Ông Sưa nhận định Việt Nam có thể giải quyết vấn đề này một cách dễ dàng. Từ năm nay trở đi, năng lực sản xuất thép cuộn cán nóng của Việt Nam đủ để tạo nên CO (giấy chứng nhận xuất xứ, nguồn gốc hàng hóa) do có nhiều dự án mới đi vào hoạt động.
Cụ thể, Fomosa đã đưa lò cao số 1 hoạt động từ tháng 7/2017. Dự kiến đến năm 2018, lò cao số 2 tiếp tục được vận hành, cung cấp sản phẩm thép cuộn cán nóng, thép thanh, thép dây cho thị trường với tổng công suất khoảng 7 triệu tấn/năm.
Tập đoàn Hòa Phát cũng đang đầu tư xây dựng lò cao tại Quảng Ngãi dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2019 với công suất 2 triệu tấn thép thanh và thép dây/năm trong giai đoạn 1; giai đoạn 2 sẽ đóng góp 3 triệu tôn cuộn cán nóng.
Dự án dây chuyền cán nguội, mạ kẽm/lạnh, mạ màu của Tập đoàn Hoa Sen tại Bình Định dự kiến sẽ đóng góp 350.000 tấn. Dự án cán thép xây dựng của các công ty Tung Ho, Pomina, Việt- Ý dự kiến sẽ đóng góp thêm 600.000 tấn mỗi năm.
Hiệp hội dự đoán, trong năm 2018, tăng trưởng sản xuất thép cuộn cán nóng và thép lá cuộn cán nguội đạt lần lượt 154% và 5%; tăng trưởng tôn mạ và sơn phủ màu đạt 12%.
>> Xem thêm:Ngành thép có thể tăng trưởng 22% trong năm 2018
Trích báo cáo triển vọng ngành thép 2018 của Hiệp hội Thép Việt Nam
Thêm vào đó, ASEAN mới chính là thị trường tiêu thụ nhiều thép Việt Nam nhất chứ không phải Mỹ. Theo báo của Hiệp hội Thép Việt Nam, lượng tiêu thụ thép Việt Nam trong khối ASEAN chiếm tới 59,3% trong khi con số này của Mỹ chỉ là 11,1%.
"Như vậy, trong ngắn hạn, các doanh nghiệp xuất khẩu tôn thép của Việt Nam nếu mất thị trường Mỹ sẽ gần như không gặp khó khăn gì, khi lực cầu nội địa và nội khối ASEAN vẫn mang lại dư địa tăng trưởng khả quan", VDSC nhận định.
Hơn thế nữa, báo cáo triển vọng ngành thép cho biết do Chính phủ đưa ra mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5-6,7% nên nhiều dự án hạ tầng, xây dựng, bất động sản sẽ được triển khai trong năm 2018. Điều này dẫn đến nhu cầu thép nội địa tăng.
VDSC cho rằng các các doanh nghiệp thép Việt vẫn còn nhiều cách tiếp cận thị trường Mỹ, bởi mục tiêu của chính phủ nước này là chặn các mặt hàng có nguồn gốc Trung Quốc được gia công hoặc tạm nhập tại các nước khác để né thuế. Bằng việc sản xuất từ thượng nguồn hoặc sử dụng bán thành phẩm được sản xuất trong nước, các doanh nghiệp vẫn có thể chứng minh xuất xứ Việt Nam để bán hàng tại thị trường khắt khe như Mỹ, khối EU và Australia.
Ông Chu Đức Khải- Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư Ký Hiệp hội Thép Việt Nam khuyến nghị trong xu thế hội nhập các doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác song phương, đa phương thông qua hiệp hội nhằm tiếp cận thị trường mới.
Các doanh nghiệp thép Việt Nam ngoài việc quan tâm tới các thị trường truyền thống như ASEAN, Mỹ, EU cũng cần quan tâm đến các thị trường khác. Điều này có tác dụng đề phòng các rào cản thương mại đã và đang được dựng lên ngày càng nhiều nhằm bảo vệ sản xuất ở các thị trường nước ngoài.
Một số doanh nghiệp đủ mạnh cần phải có tầm nhìn xa hơn (5-10 năm) trong lĩnh vực đầu tư ra ngoài ngoài, ở những nơi đang còn trống vắng các doanh nghiệp thép sở tại (châu Phi, Nam Mỹ..) phòng khi thị trường truyền thống gặp khó khăn.