Tháng 3/2020, lần đầu tiên thép xây dựng Hòa Phát đạt mức kỷ lục hơn 351.000 tấn trong tháng, tăng 42,2% so với tháng 3/2019. Sản lượng xuất khẩu cũng đạt mức rất cao với gần 68.000 tấn thép thành phẩm, chưa kể Tập đoàn còn xuất 135.000 tấn phôi thép đi các quốc gia khác.
Tất cả các vùng miền đều ghi nhận tăng trưởng mạnh, trong đó thép xây dựng thành phẩm xuất khẩu tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ, khu vực miền Nam tăng 89,7%, miền Trung 23,2% và miền Bắc là 14,7%. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, sản lượng bán hàng ở khu vực phía Nam vẫn đạt hơn 70.000 tấn.
Mặc dù Covid-19 diễn biến phức tạp, Hòa Phát vẫn xuất khẩu gần 68.000 tấn thép thành phẩm đi các nước Nhật Bản, Campuchia, Úc, Indonesia, Malaysia,…trong tháng 3. Con số này gần bằng lượng xuất khẩu của cả quý I/2019. Ngoài ra, lần đầu tiên Tập đoàn Hòa Phát xuất khẩu hơn 135.000 tấn phôi thép tới nhiều nước trên thế giới trong vòng một tháng.
Tổng cộng cả lượng tiêu thụ thép thành phẩm và phôi thép, Hòa Phát đã cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước 486.000 tấn trong tháng 3, một con số cao kỷ lục của ngành thép Việt Nam. Theo đại diện Công ty TNHH Thép Hòa Phát Hưng Yên, đơn vị đảm trách bán hàng thép Hòa Phát, sản lượng bán hàng thép Hòa Phát đạt mức ấn tượng trên là nhờ khu vực xây dựng dân dụng đang vào mùa.
Lũy kế trong quý I/2020, thép xây dựng Hòa Phát đã cung cấp cho thị trường trên 732.000 tấn (chưa bao gồm sản lượng phôi thép), tăng nhẹ so với cùng kỳ. Trong đó, lượng thép thành phẩm xuất khẩu gần 135.000 tấn, tăng 74,8% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, lượng phôi thép Hòa Phát cung cấp cho thị trường đạt khoảng 350.000 tấn, chủ yếu là xuất khẩu.
Theo báo cáo đánh giá của CTCP Chứng khoán SSI, tỷ lệ sử dụng lò cao của HPG có thể đạt khoảng 90% trong quý 1/2020. Thị phần của HPG ước tính trên 30% trong Q1/2020, so với 26% trong cả Q1/2019 và năm 2019.
Trước đó, SSI ước tính doanh thu và lợi nhuận ròng của HPG trong năm 2020 là 73,8 nghìn tỷ đồng (+15,9% YoY) và 9,3 nghìn tỷ đồng (+23,8% YoY), dựa trên sản lượng tiêu thụ thép xây dựng và thép ống lần lượt là 3,7 triệu tấn (+33% YoY) và 826 nghìn tấn (+10% YoY). SSI sẽ xem xét điều chỉnh giảm các ước tính cho năm 2020 do sự chững lại của nền kinh tế do diễn biến gần đây của dịch virus Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, SSI tin rằng điều kiện thị trường xấu trong ngắn hạn có thể dần loại bỏ các đối thủ cạnh tranh nhỏ và hoạt động không hiệu quả ra khỏi thị trường, do đó giúp củng cố vị thế dẫn đầu của HPG trong những năm tới.
Gia hạn thuế tự vệ đối với thép dài nhập khẩu: Bộ Công thương (MoIT) đã quyết định gia hạn thuế tự vệ đối với thép xây dựng và phôi thép (có hiệu lực từ tháng 7/2016) thêm 3 năm. Theo đó, thuế suất đối với thép xây dựng và phôi thép lần lượt ở mức 10,9% và 17,3% trước tháng 3/2020, sẽ giảm dần lần lượt 1,5% và 2% mỗi năm đến năm 2023 (nếu không được gia hạn). Việc gia hạn thuế tự vệ trong 3 năm tới là một biện pháp hữu ích để bảo vệ các công ty sản xuất trong nước khỏi áp lực trên thị trường thế giới, đặc biệt từ các sản phẩm nhập khẩu của Trung Quốc.