Đây là yêu cầu của Thống đốc Lê Minh Hưng trong cuộc họp Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội phiên thường kỳ quý 3/2019.
Cụ thể, phát biểu tại cuộc họp, ông Hưng ghi nhận và đánh giá cao sự chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo của ban điều hành; sự nỗ lực, cố gắng của tập thể cán bộ, viên chức và người lao động toàn hệ thống; sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội và cấp ủy, chính quyền các địa phương đối với hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội trong 9 tháng đầu năm 2019.
Đến ngày 30/9/2019, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt 210.201 tỷ đồng, tăng 15.780 tỷ đồng so với năm 2018. Tổng dư nợ đến 30/9/2019 đạt 200.813 tỷ đồng, tăng 13.021 tỷ đồng, tăng 6,9% so với cuối năm 2018, với hơn 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ.
Trong đó, dư nợ các chương trình tín dụng theo kế hoạch tăng trưởng được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 175.308 tỷ đồng, tăng 10.166 tỷ đồng, tương đương tăng 6,2% so với cuối năm 2018, hoàn thành 76,9% kế hoạch.
Dư nợ tín dụng chính sách tập trung chủ yếu ở các chương trình phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế và việc làm, bao gồm hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, cho vay giải quyết việc làm (chiếm 73,6%). Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm 0,74% tổng dư nợ.
Riêng trong tháng 9 vừa qua, doanh số cho vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội đạt 54.983 tỷ đồng, tăng 6.156 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, với hơn 1.620 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.
Tuy nhiên, để hoàn thành nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2019, Thống đốc Lê Minh Hưng đề nghị, những tháng cuối năm, hệ thống Ngân hàng Chính sách Xã hội phải chủ động huy động vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu giải ngân các chương trình tín dụng theo chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng được giao.
Tập trung chỉ đạo các chi nhánh giải ngân kịp thời, sớm hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng, cân đối nguồn lực để bố trí, điều chuyển nguồn vốn ưu tiên các địa phương bị thiệt hại do thiên tai có nhu cầu cấp bách để chuyển đổi sản xuất theo chỉ đạo của Chính phủ.
"Ngân hàng Chính sách Xã hội tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, các Bộ, Ban ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW và Quyết định số 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch triển khai Chỉ thị, trọng tâm tăng cường nguồn lực từ địa phương hỗ trợ thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới", Thống đốc lưu ý.
Đặc biệt, về định hướng thời gian tới, Thống đốc Lê Minh Hưng yêu cầu nghiên cứu, khảo sát, thí điểm cho vay tiêu dùng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách. "Đây là hướng phát triển tiếp cho Ngân hàng Chính sách Xã hội", vị lãnh đạo trên nhấn mạnh.