Theo đó, Bộ trưởng Bộ GTVT quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Vũ Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Thành viên SBIC - do có vi phạm. Ông Tuấn đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Cao Thành Đồng - Thành viên Hội đồng Thành viên SBIC - do có vi phạm. Ông Đồng đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách.
Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo Ban Thường vụ Đảng ủy SBIC nhiệm kỳ 2010 - 2015 và ông Vũ Anh Tuấn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên SBIC.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật khiển trách Ban Thường vụ Đảng ủy SBIC nhiệm kỳ 2015 - 2020 và ông Cao Thành Đồng - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Thành viên Hội đồng Thành viên SBIC.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật ông Nguyễn Ngọc Sự - nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên SBIC.
Dù trong giai đoạn tái cơ cấu sau "sụp đổ" của Tập đoàn Vinashin, lãnh đạo của SBIC vẫn có vi phạm, khuyết điểm để bị kỷ luật.
Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Thường vụ Đảng ủy SBIC các nhiệm kỳ 2010 - 2015, 2015 - 2020 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát. Hậu quả, Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc, các đơn vị trực thuộc và một số cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc quản lý và sử dụng kinh phí tái cơ cấu doanh nghiệp; làm thất thoát, lãng phí lớn tiền và tài sản của Nhà nước, nhiều cá nhân bị xử lý hình sự.
Trách nhiệm của các vi phạm, khuyết điểm nêu trên thuộc về Ban Thường vụ Đảng ủy SBIC các nhiệm kỳ 2010 - 2015, 2015 - 2020 và các ông Vũ Anh Tuấn (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên), Cao Thành Đồng (Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Thành viên Hội đồng Thành viên, Tổng Giám đốc) và một số cá nhân.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đánh giá, những vi phạm của Ban thường vụ Đảng ủy SBIC và các cá nhân nêu trên gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và tổng công ty, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
Tiền thân của SBIC là Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin, thành lập năm 2006). Vinashin khi đó là một trong những “quả đấm thép” của nền kinh tế, từng mạnh nhất trong các tập đoàn kinh tế của Việt Nam, công ty con trải khắp nước, ở nhiều lĩnh vực, với hơn 240 đơn vị thành viên, kinh doanh đa ngành. Các tên tuổi lớn trong đóng tàu thuộc Vinashin như đóng tàu Phà Rừng, Bạch Đằng, Sông Cấm, Nam Triệu...
Phát triển nóng với số vốn lớn trong tay, đầu tư ngoài ngành, trong khi năng lực quản lý chưa theo kịp, và khi kinh tế toàn cầu suy thoái, Vinashin đã bộc lộ các yếu kém và sa lầy.
Năm 2010, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra Vinashin và chỉ ra hàng loạt sai phạm, thiếu sót, thua lỗ của tập đoàn này. Cụ thể, cuối năm 2009 (3 năm lên tập đoàn), tổng tài sản của Vinashin tuy có hơn 104.000 tỷ đồng nhưng hơn 80% vốn đi vay. Vinashin không còn bảo toàn được vốn Nhà nước giao, để thâm hụt gần 5.000 tỷ đồng.
Sau khi đội ngũ lãnh đạo của Vinashin bị xử lý hình sự, tập đoàn này bắt tay vào quá trình tái cơ cấu từ năm 2010, tới năm 2013 chuyển lại thành tổng công ty và đổi tên thành SBIC.