Thị phần giá trị giao dịch môi giới của top 10 công ty chứng khoán hàng đầu tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HoSE) năm 2019 cho thấy, dù vị trí của nhiều ông lớn vẫn được giữ nguyên, tuy nhiên thị phần ít nhiều đã mất đi vào tay các công ty chứng khoán top dưới, đặc biệt là sự vươn lên đáng ngạc nhiên của một số công ty chứng khoán vốn ngoại.
SSI tiếp tục năm thứ 6 dẫn đầu thị phần môi giới sàn HoSE tuy nhiên, thị phần năm 2019 chỉ đạt 13,96%, giảm mạnh so với 2 năm trước đó (16,25% năm 2017 và 18,7% năm 2018). Tuy không giảm mạnh so với năm trước như SSI song thị phần của HSC lại đang chạm đáy 8 năm qua với mức 10,54% năm 2019.
Không chỉ 2 ông lớn trên, thị phần môi giới trên HoSE năm 2019 đã sụt giảm với 5/10 công ty chứng khoán, ngoài SSI và HSC là sự sụt giảm thị phần không nhỏ của VSCS, VNDirect và MBS.
Thị phần môi giới cổ phiếu sàn HoSE trong 5 năm qua
Đây là một thực tế không bất ngờ đối với thị trường khi trong vài năm trở lại đây, việc nhiều công ty chứng khoán nhỏ "kim thiền thoát xác", được các công ty ngoại rót vốn đầu tư đã liên tục tung nhiều chiêu đánh chiếm thị phần như giảm phí, tăng cho vay margin. Điều này đẩy các công ty chứng khoán lớn vào thế khó khi "miếng bánh" không tăng nhiều nhưng sức cạnh tranh ngày càng gay gắt.
"Đá bay" các công ty chứng khoán có uy tín trong ngành trong năm vừa rồi không ai khác là các công ty chứng khoán vốn ngoại gồm MAS và KIS.
Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset (MAS) đã duy trì đều đặn tên tuổi trong top 10 môi giới sàn HoSE từ quý 2/2019. Tổng cả năm, MAS đứng thứ 6 trong top với thị phần 4,47%, những năm trước đó công ty chứng khoán này chưa hề góp mặt trong top.
MAS liên tục được công ty mẹ là Mirae Aset Securities (HK) Limited bơm thêm tiền để tăng vốn. Quá trình tăng vốn của MAS tăng thần tốc trong 3 năm qua, từ 700 tỷ năm 2017 tăng vọt lên 2.000 tỷ năm 2018 và tới cuối tháng 9/2019, vốn điều lệ của MAS đạt 4.300 tỷ đồng.
Vẫn chưa dừng lại ở đó, MAS tiếp tục được chấp thuận tăng thêm vốn vào cuối tháng 10/2019 từ 4.300 tỷ đồng lên 5.455 tỷ đồng, phần vốn tăng thêm sẽ được sử dụng tăng cho hoạt động môi giới, tự doanh và IB.
Còn đối với KIS, sau 2 năm vắng bóng trong top 10 năm của sàn HoSE, năm nay công ty chứng khoán này quay trở lại góp mặt với vị trí thứ 10 (3,08%). KIS là công ty có vốn Hàn Quốc khi Công ty TNHH Chứng khoán và Đầu tư Hàn Quốc nắm giữ 99,62% cổ phần KIS.
Đáng chú ý, tuy chưa lọt vào top 10 của năm tuy nhiên trong riêng quý 4/2019, thêm một công ty chứng khoán vốn ngoại khác là KBSV đã lọt vào top 10 với thị phần 3,9%. Tính ra, MAS, KIS và KBSV đã ngốn kha khá thị phần của các công ty chứng khoán lớn, thậm chí BVSC còn bị đá văng khỏi top 10 trong quý 4 dù công ty chứng khoán này luôn có mặt trong nhóm thị phần đầu ngành trước đó.
Năm 2019 được đánh giá là một năm cạnh tranh khốc liệt trong khối môi giới, đặc biệt là sự tác động của việc loại bỏ mức sàn phí môi giới chứng khoán cùng sự lớn mạnh của các công ty vốn ngoại. Tuy vậy, dù ít nhiều bị tác động song sức ảnh hưởng của các công ty chứng khoán uy tín top đầu vẫn tiếp tục được duy trì.
Trong một báo cáo mới đây của VCSC đánh giá cổ phiếu đầu ngành là SSI, VCSC cho rằng dù nhận thấy cạnh tranh về mức phí môi giới và cho vay ký quỹ ngày càng gay gắt ảnh hưởng tiêu cực đến thị phần của SSI, chúng tôi vẫn duy trì nhận định cho rằng SSI sẽ giữ vững vị thế dẫn đầu trong dài hạn.
VCSC cho rằng thời điểm mà SSI ghi nhận mức thị phần hơn 20% đã trôi qua và sẽ duy trì vị thế an toàn hơn với mức thị phần khoảng 10-15%, dự báo tổng thị phần của SSI khoảng 13% trong giai đoạn 2019-2024.