Bộ Công thương cho biết, trong 20 ngày đầu tháng 5/2019, giá hạt tiêu tại thị trường trong nước ổn định hoặc giảm so với tháng 4/2019, tùy từng địa phương. Ngày 20/5/2019, giá hạt tiêu tại thị trường trong nước ở mức thấp nhất là 43.000 đ/kg tại Chư Sê và Đồng Nai; cao nhất 45.000 đ/kg tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.
Theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết năm 2018, diện tích hạt tiêu toàn vùng Tây Nguyên là hơn 89.000 ha, thấp hơn năm 2017 khoảng 3.000 ha. Trong đó hạt tiêu tập trung chủ yếu ở tỉnh Gia Lai gần 16.300 ha, Đắk Nông hơn 34.000 ha và Đắk Lắk hơn 36.600 ha.
Cũng theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu trong 15 ngày đầu tháng 5/2019 đạt 17,3 nghìn tấn, trị giá 42,3 triệu USD, tăng 0,4% về lượng, nhưng giảm 2,2% về trị giá so với 15 ngày đầu tháng 4/2019, tăng 61,1% về lượng và tăng 21,4% về trị giá so với 15 ngày đầu tháng 5/2018.
Lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/5/2019, xuất khẩu hạt tiêu đạt 125,2 nghìn tấn, trị giá 325,38 triệu USD, tăng 28,5% về lượng, nhưng giảm 4,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Bộ Công thương cho biết, trong tháng 4/2019, xuất khẩu hạt tiêu sang thị trường Hoa Kỳ đạt 4,8 nghìn tấn, trị giá 13,23 triệu USD, tăng 24,3% về lượng, nhưng giảm 3,0% về trị giá so với tháng 4/2018. Tính chung 4 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu hạt tiêu sang Hoa Kỳ tăng 31% về lượng, nhưng giảm 6,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018, đạt 18,6 nghìn tấn, trị giá 52,92 triệu USD.
Trong khi đó, xuất khẩu hạt tiêu tháng 4/2019 sang hai thị trường Đức và Thái Lan tăng cả về lượng và trị giá so với tháng 4/2018 với tốc độ tăng trưởng lần lượt là 55% và 39,8% về lượng, tăng 22% và 6,9% về trị giá.
Với tình hình xuất khẩu như hiện nay, Việt Nam là nguồn cung hạt tiêu lớn thứ 2 về lượng, nhưng dẫn đầu về trị giá cho Hoa Kỳ trong quý I/2019, đạt 11,3 nghìn tấn, trị giá 36,6 triệu USD, tăng 35,2% về lượng. Thị phần hạt tiêu Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Hoa Kỳ tăng từ 15,7% trong quý I/2018, lên 20% trong quý I/2019.