Là đơn vị luôn giữ vị trí số 1 trong ngành hàng sữa đậu có thương hiệu tại Việt Nam trong nhiều năm qua với thị phần luôn trên 80%, năm 2020 con số trên của Vinasoy ghi nhận bước nhảy vọt bất chấp sự khó khăn do Covid-19.
Ghi nhận bởi Nielsen, thị phần sữa đậu nành Vinasoy, thuộc Đường Quảng Ngãi (QNS), đạt 85,8% trong năm 2020. Đặc biệt, tháng 12/2020 Vinasoy chiếm 87,3% thị phần sữa đậu nành bao bì hộp giấy tại Việt Nam, tăng đến 2,9 điểm % so với cùng kỳ năm 2019.
Được biết, sữa đậu nành là một trong những mặt hàng thực phẩm chịu tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19. Sản lượng tiêu thụ trong năm đạt 250 triệu lít. Riêng QNS, doanh thu mảng sữa đậu nành năm qua giảm sút đâu đó 10% do áp lực Covid-19.
Dù vậy, không chỉ có thị trường trải dài khắp cả nước qua hai kênh bán hàng chủ lực là kênh truyền thống và hiện đại, Vinasoy còn được đánh giá cao nhờ nắm bắt xu hướng "ít ngọt", theo đó tiếp tục chiếm lĩnh thị phần trong bối cảnh toàn ngành chậm lại do đại dịch.
Công ty cũng chính thức xuất khẩu thành công thương hiệu Vinasoy sang thị trườnng rộng lớn Trung Quốc và Nhật Bản. Tại thị trường Trung Quốc, Vinasoy đã có mặt tại 11 trang thương mại điện thử lớn; 314 siêu thị thuộc 12 chuỗi siêu thị tại Miền Đông. Tại thị trường Nhật Bản: Vinasoy bày bán tại 680 cửa hàng trên toàn quốc.
Hiện, trung bình mỗi năm Nhà máy sữa đậu nành Việt Nam Vinasoy của QNS tạo ra hơn 1 tỷ sản phẩm sữa đậu nành phục vụ cho hơn 80 triệu người dân.
Lên kế hoạch cho năm 2021, Công ty dự kiến tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu đậu nành, song song duy trì và phát triển thị trường trong nước; đồng thời tìm thêm thị trường quốc tế.
Dù vậy, trước tình hình biến động giá nông sản, cụ thể là đậu nành, trên trường thế giới, biên lãi mảng này của QNS năm 2021 có thể chịu nhiều thách thức, giới quan sát nhận định. Theo ước tính từ Chứng khoán Bản Việt (VCCS) tại báo cáo mới nhất, đơn vị này dự báo biên lợi nhuận ròng của mảng sữa đậu nành QNS sẽ giảm từ 20,1% xuống còn 18% năm 2021 do giá các nguyên liệu chính như đường và đậu nành tăng đột biến.
Ghi nhận, giá nguyên liệu đậu nành đã tăng 53% trong tháng 2, tiếp nối đà nhảy vọt từ đầu năm. Cần nhấn mạnh, câu chuyện giá nông sản nguyên liệu tăng vọt trên thị trường thế giới đang là chủ đề được quan tâm và khai thác mạnh khắp các phương tiện truyền thông toàn cầu. Ghi nhận, đậu tương, lúa mì, gạo, ngô… các nông sản đang được giao dịch với mức giá cao bất thường.
Theo tờ báo Pháp, ngay cả dầu cọ, được tiêu thụ rộng rãi ở châu Á, cũng chưa bao giờ đắt như vậy trong vòng 10 trở lại đây. Giá đường cũng tăng. Trong khi gạo Thái Lan lên tới 550 USD/tấn, gần như cao nhất kể từ năm 2013…
Có nhiều nguyên nhân cho "cơn sốt" giá nông sản nguyên liệu, do lo ngại hạn hán ở Nam Mỹ, mưa nhiều ở Malaysia và Indonesia tác động xấu đến sản lượng… Tuy nhiên, theo giới quan sát thế giới, lý do lớn nhất làm cho thị trường nông sản căng thẳng xuất phát bởi nhà buôn Trung Quốc đang gia tăng nhập khẩu.
‘Trung Quốc đang gia tăng nhập khẩu ồ ạt nông sản, ở một mức độ cao bất thường’, loạt đơn vị truyền thông đồng loạt lên tiếng. Quốc gia này công bố sẽ tăng gấp 3 lần lượng ngô nhập khẩu, tăng sản lượng lúa mỳ lên gấp 2 lần so với năm 2020, câu chuyện tương tự tại đậu nành…
Động thái bất thường của Trung Quốc đang tạo áp lực gây nhiễu thị trường, và ảnh hưởng mạnh đến giá đầu vào của chuỗi sản xuất, trong đó có Việt Nam. Loạt đơn vị kinh doanh từ thức ăn chăn nuôi, đến sản xuất thực phẩm, sữa đối mặt với thách thức hiệu suất hoạt động.
Trở lại với QNS, sự tăng giá đột biến của đường, và đặc biệt đậu nành, theo VCSC sẽ được bù đắp một phần bởi ASP mạnh hơn và thu nhập từ lãi tăng nhờ dòng tiền tự do mạnh mẽ. VCSC kỳ vọng doanh thu mảng sữa đậu nành sẽ tiếp tục tăng nhưng giá nguyên liệu cao hơn sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của công ty trong năm 2021. Dù vậy, sản lượng bán mảng sữa đậu nành theo ước tính sẽ phục hồi 8% trong năm 2021 và đạt CAGR 6% trong giai đoạn 2021-2023.
Ngược lại, giá bán đường trung bìn, dự được thúc đẩy bởi nguồn cung đường Thái Lan thắt chặt và Việt Nam áp thuế chống bán phá giá mới đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan, sẽ hỗ trợ biên lợi nhuận cho QNS.
Dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Agromonitor cho thấy sản lượng đường của Thái Lan đang trên đà giảm hai chữ số trong mùa vụ năm 2021. Vào cuối tháng 2/2021, Bộ Công Thương (MoIT) đã áp thuế chống bán phá giá tạm thời ở mức 34-49% đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan. Do những yếu tố này và thực tế là đường Thái Lan nhập khẩu (cả nhập khẩu hợp pháp và bất hợp pháp) thường chiếm 40-50% lượng đường tiêu thụ của Việt Nam, giá đường trắng (RS) của Việt Nam đã tăng khoảng 20% trong 3 tháng qua, theo ước tính của VCSC.
Tuy nhiên, VCSC cho rằng giá đường có thể giảm vào năm 2022 khi sản lượng đường của Thái Lan phục hồi, điều này có thể dẫn đến việc gia tăng đường Thái Lan nhập lậu vào Việt Nam. Tương ứng, ASP đường RS của QNS sẽ tăng 37% vào năm 2021 trước khi giảm 15%/5% vào năm 2022/2023.
Để đón đầu hội nhập, năm 2018 Công ty cũng đã bắt đầu đầu tư dây chuyền đường tinh luyện RE với công suất 1.000 tấn đường/ngày. Đến năm 2020, Công ty đã nhập lô đường thô đầu tiên và bắt đầu sản xuất thử đường RE, ban lãnh đạo kỳ vọng mang lại lợi nhuận đột phá trong những năm sau của QNS.
Năm 2021, cùng với đậu nành, QNS dự cũng gia tăng vùng nguyên liệu mía đường. Tựu chung, Công ty đặt mục tiêu đạt 8.000 tỷ doanh thu và 913 tỷ LNST, giảm so với con số 1.053 tỷ đạt được trong năm 2020.