Theo "Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp chế biến sữa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025", sản lượng sữa tươi sản xuất trong nước dự kiến sẽ đạt 1 tỷ lít, tương đương 38% nhu cầu tới năm 2020 và 1,4 tỷ lít, đáp ứng 40% nhu cầu vào năm 2025.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam Trần Quang Trung, những năm vừa qua, ngành sữa Việt Nam luôn đạt tốc độ tăng trưởng tốt. Các doanh nghiệp trong ngành đang nỗ lực xây dựng, cải tiến, đổi mới nhà máy và thiết bị, ứng dụng công nghệ tự động hóa cao ngang trình độ khu vực và thế giới với mục tiêu cải thiện chất lượng nguồn cung sữa.
Nhu cầu sử dụng sữa bình quân đầu người của Việt Nam còn thấp, hiện mới chỉ đạt 26 lít/người/năm, trong khi Thái Lan là 35 lít/người/năm, Singapore là 45 lít/người/năm và các nước châu Âu từ 80 – 100 lít/người/năm.
Bên cạnh đó, sự bùng nổ của các chuỗi bán hàng hiện đại, cơ cấu dân số tương đối trẻ, người dân tăng thu nhập, cũng là nhân tố được dự báo sẽ khiến nhu cầu đối với các sản phẩm sữa có giá trị cao tăng mạnh. Hiệp hội Sữa Việt Nam dự báo, trong các năm tới, ngành sữa Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng từ 9 - 10% và năm 2020 sẽ đạt mức 28 lít sữa/người/năm.
Nhu cầu từ nước ngoài cũng sẽ trở thành một động lực tăng trưởng mới, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.
Cho dù ngày càng có nhiều quốc gia đi theo xu hướng bảo hộ thương mại, các thành viên ASEAN và Trung Quốc vẫn đang thúc đẩy tự do hóa thương mại khu vực và toàn cầu. Việc nâng cấp hiệp định thương mại tự do giữa hai bên - ACFTA đã mang lại lợi ích cho ngành sữa khi Việt Nam được phép xuất khẩu sữa sang Trung Quốc từ tháng 10/2019.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường nói: "Trung Quốc, với dân số gần 1,4 tỷ người, là một thị trường khổng lồ với tiềm năng to lớn và có nhu cầu lớn đối với các sản phẩm nông nghiệp như sữa".
"Do Trung Quốc quyết tâm mở rộng thị trường và tăng cường nhập khẩu, thúc đẩy thương mại tự do và toàn cầu hóa, nên việc thực hiện đầy đủ hiệp định này sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn cho hàng hóa ASEAN, bao gồm cả hàng hóa Việt Nam, thâm nhập vào một trong những thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới", ông Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới nói với Tân Hoa Xã.
"Việt Nam đặc biệt thuận lợi do gần gũi về mặt địa lỹ và sự sẵn có của các sản phẩm bổ sung, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp mà Trung Quốc có nhu cầu lớn và hiện đang áp dụng thuế nhập khẩu ưu đãi", ông Lược lưu ý. "Nếu các công ty Việt Nam có thể hiểu và đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu theo các quy tắc mới, đây sẽ là một cơ hội lớn để tăng cường khẩu sang Trung Quốc".
Hai sản phẩm then chốt của tăng trưởng của toàn ngành sữa trong nước là sữa nước và sữa bột. Tổng giá trị của riêng hai mảng này đã chiếm gần 3/4 giá trị thị trường. Cụ thể, sản lượng sữa tươi hiện đạt 1.500 nghìn lít, sữa bột đạt 138.000 tấn.
Báo cáo của Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, đàn bò sữa trên cả nước đang tăng mạnh. Các doanh nghiệp đang tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, mở rộng quy mô chăn nuôi nhằm bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm nguồn sữa tươi đưa đến tay người tiêu dùng.
Thị trường sữa những năm vừa qua đã chứng kiến sự tăng tốc xây dựng trang trại nuôi bò sữa, nhập thêm các giống bò tốt từ Mỹ, Australia của hàng loạt doanh nghiệp sữa lớn, nổi bật là Vinamilk, TH True Milk,...
Nhiều trang trại đã được các tổ chức quốc tế cấp các chứng nhận Hệ thống trang trại đạt chuẩn GlobalGAP, trang trại hữu cơ nhằm đảm bảo thực phẩm đủ tiêu chuẩn về sản phẩm sạch và chất lượng quốc tế cho người dùng.