Nhiều dự án BĐS đã hình thành hàng chục năm nhưng đến nay vẫn còn nhiều sản phẩm chưa hoàn thiện. Ảnh An Hòa
Giao dịch giảm mạnh
Theo bà N.T.T, hội viên Hội môi giới BĐS, thông thường vào tháng 7 âm lịch thì giao dịch BĐS giảm mạnh, tuy nhiên riêng đối với năm nay thì tình trạng thị trường còn ảm đạm hơn nhiều, số BĐS được giao dịch trong gần một tháng qua chỉ "đếm được trên đầu ngón tay", đáng lo ngại hơn là khách hàng quan tâm đến thông tin dự án cũng giảm bất ngờ.
Điều bất thường nhất đối với thị trường BĐS Cần Thơ là hiện nay số dự án đủ điều kiện chào bán rất ít, mặc dù nguồn cung hạn hẹp nhưng BĐS Cần Thơ vẫn "ế chỏng chơ", giao dịch thấp nhất trong lịch sử.
Theo ông Phạm Văn Luận, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội BÐS TP. Cần Thơ, giai đoạn từ năm 2015 - 2021, tổng số dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn TP. Cần Thơ là 50 dự án, cụ thể: 34 dự án nhà ở thương mại (4 dự án đủ điều kiện bán hàng, đã có chủ trương thu hồi 2 dự án); 5 dự án nhà ở xã hội (đang triển khai 3 dự án, đã hoàn thành 2 dự án); 6 dự án nhà ở tái định cư, cải tạo, xây dựng lại chung cư quy mô 32ha hiện đang triển khai; số dự án BĐS khác là 5 (không có nhà ở) với quy mô 92,7ha, hiện đang được triển khai.
Về hoạt động kinh doanh BĐS, trên địa bàn TP. Cần Thơ có gần 2.000 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực BĐS, trong đó có 723 doanh nghiệp đầu tư, xây dựng, mua bán cho thuê BĐS; 1.255 doanh nghiệp dịch vụ môi giới, tư vấn, quản lý bất động sản. Sau thời gian trầm lắng vì dịch COVID-19, thị trường BĐS TP. Cần Thơ đã tái khởi động trở lại. Những dự án được đầu tư tốt, hoàn thành hạ tầng và có đầy đủ pháp lý gần trung tâm thành phố, gần lộ lớn có giá bình quân từ 40 - 60 triệu đồng/m2. Dự án nằm lớp trong, tiếp giáp lộ nhỏ có mức giá từ 19 - 30 triệu đồng/m2, mức giá này tăng khoảng 7 - 10% trong vòng 2 năm qua.
"Năm 2021 mặc dù thị trường bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng theo số liệu của Sở Tư pháp địa phương dựa trên nguồn tổng hợp của các Văn phòng công chứng trên địa bàn, năm 2021 đã có hơn 6.000 nền, 1.228 căn nhà ở riêng lẻ; 221 căn hộ chung cư được giao dịch. Ngoài ra, còn hơn 200 giao dịch về cho thuê mặt bằng thương mại, dịch vụ. Đáng quan tâm là năm 2022, mặc dù được dự báo thị trường BĐS sẽ hồi phục vì dịch COVID-19 đã được khống chế, tuy nhiên, thị trường giao dịch lại rất trầm lắng, nhất là thời gian khoảng 1 tháng trở lại đây", ông Luận cho hay.
Trong khi đó, theo nhận định của giới đầu tư, kinh doanh BĐS, thị trường BĐS Cần Thơ đang rơi vào giai đoạn trầm lắng nhất là do thị trường đang thiếu sản phẩm tốt, cùng với đó là các chính sách liên quan về đất đai có nhiều thay đổi, tín dụng BĐS có xu hướng được thắt chặc hơn, đặc biệt là việc ngành thuế yêu cầu các tổ chức tín dụng, văn phòng công chứng cung cấp hồ sơ giao dịch BĐS từ năm 2020 đến tháng 6/2022 để xem xét truy thu thuế cũng ảnh hưởng đến giao dịch BĐS trong 6 tháng đầu năm nay.
Hạ tầng kết nối thông suốt sẽ tạo điều kiện cho thị trường BĐS Cần Thơ sôi động trong thời gian tới. Ảnh AK
Giai đoạn tích lũy
Theo nhận định của Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội BÐS TP. Cần Thơ Phạm Vũ Luận, thị trường BÐS Cần Thơ trong 6 tháng đầu năm 2022 gặp khá nhiều khó khăn thách thức, tuy nhiên nếu một số khó khăn được khơi thông thì dòng chảy vốn đầu tư trong và ngoài nước vào BĐS khu vực Tây Nam Bộ, trong đó có TP. Cần Thơ sẽ tăng tốc trong năm 2023.
Các khó khăn mà theo ông Luận, cần được khơi thông, đó là: địa phương cần tăng cường tạo quỹ đất sạch để mời gọi các nhà đầu tư cũng như sớm ban hành quyết định mức thu tiền sử dụng đất, thuê đất, giá nền tái định cư, giá bồi thường các dự án BÐS trên địa bàn để các chủ đầu tư dự án thực hiện tốt nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Bởi vì hiện nay có nhiều chủ đầu tư muốn nộp tiền sử dụng đất nhưng không thể nộp vì phải chờ cơ quan chức năng xác định lại mức thu. Khi dự án chưa nộp ngân sách thì không thể thực hiện các bước tiếp theo và đương nhiên là không thể giao dịch.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần đẩy nhanh thực hiện thủ tục hành chính trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người dân trong các dự án nhà ở, khu đô thị mới đã đủ điều kiện được cấp giấy theo quy định... Phối hợp hướng dẫn các chủ đầu tư dự án trong việc hoàn thiện thủ tục cấp phép đủ điều kiện bán nhà ở, căn hộ chung cư… hình thành trong tương lai và công khai trên Cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng và Hiệp hội BÐS TP. Cần Thơ.
Ðối với các dự án nhà ở, khu đô thị mới, đề nghị các sở, ngành liên quan và hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng quận, huyện hỗ trợ chủ đầu tư trong quá trình thu hồi đất, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án; quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp BÐS, chủ đầu tư có năng lực tài chính tốt tiếp cận các nguồn vốn tín dụng BÐS trong thời gian tới, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đầu tư các dự án. Ðây là điều cần thiết và quan trọng, giúp thị trường BÐS phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19, bởi nếu nguồn cung BÐS không đáp ứng kịp thời nhu cầu nhà ở sẽ có khả năng bị đẩy giá tăng lên, tạo nhiều hệ lụy.
Theo kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn TP. Cần Thơ đến năm 2025, có 96 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị, khu tái định cư, nhà ở xã hội với 11.756 căn nhà ở riêng lẻ, nhà ở thương mại; 4.057 căn nhà tái định cư; 320 căn nhà ở xã hội. Trong đó, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2022 là hai dự án với tổng diện tích sàn 245.000m2, với 1.374 căn nhà ở riêng lẻ. Cũng trong năm 2022, dự kiến TP. Cần Thơ sẽ phê duyệt 10 dự án nhà ở thương mại; 2 dự án nhà ở xã hội với tổng diện tích sàn xây dựng 50.000 m2, với 714 căn hộ chung cư, nhà ở xã hội.