Đã từng có nhiều dự báo cho rằng, thị trường bất động sản sẽ gặp khó khăn khi đối mặt với 2 trở ngại lớn: đó là vòng xoay chu kỳ của thị trường và biến cố Covid-19. Thế nhưng, nhìn lại khoảng thời gian 2 năm trôi qua, thị trường bất động sản lại có diễn biến trái chiều đầy bất ngờ. Đơn cử như sau Tết Nguyên đán 2021, cơn sốt bất động sản bùng nổ nhiều địa phương. Sau đó, thị trường "đóng băng" bởi dịch bệnh với chính sách cách ly xã hội.
Tuy nhiên, bước sang quý IV/2021, thị trường bất động sản địa ốc lại bắt đầu ghi nhận tín hiệu tích cực từ lượng giao dịch. Dù tâm lý của một bộ phận nhà đầu tư cẩn trọng và lo lắng song thực tế, dòng tiền vẫn tiếp tục đổ vào lĩnh vực bất động sản.
Bước sang năm 2022, ngay từ những tháng đầu năm, lượng nhà đầu tư lạc quan xem đất vẫn rất lớn. Doanh nghiệp địa ốc hồ hởi chuẩn bị cho các kế hoạch tung sản phẩm ra thị trường sau khoảng thời gian "nén" vì dịch bệnh.
Đánh giá về kịch bản bất động sản 2022, các chuyên gia đều cho rằng, rất nhiều thông tin tích cực đẩy thị trường lên.
Theo PGS.,TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, bất động sản vẫn là thị trường hút vốn đầu tư cả trong và ngoài nước. Đặc biệt, thị trường này sẽ tạo ra nhiều đột phá trong năm mới.
Đánh giá về từng phân khúc, vị chuyên gia này phân tích, bất động sản công nghiệp sẽ tăng nóng khi đà thu hút FDI vào Việt Nam tăng trưởng mạnh, cùng với các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư mới.
Trong khi đó, phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng sẽ "bật dậy" trong năm nay nếu như Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh và mở cửa dịch vụ du lịch theo lộ trình. Kỳ vọng đến tháng 7/2022 thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn.
Với phân khúc nhà ở giá rẻ và trung bình cũng có thể tăng lên khi chính sách được hoàn thiện và đi vào thực thi, phân khúc đất nền phát triển bình thường và sẽ không tăng mạnh.
Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, năm 2022 nguồn cung sẽ tăng, tuy nhiên với định hướng chung, tăng trưởng chung của thị trường sẽ được điều tiết bởi chính sách vĩ mô. Phân khúc đất nền và cao cấp vẫn sẽ có sự tăng trưởng tốt và phân hóa rõ rệt, đồng thời sẽ có căn hộ siêu cao cấp.
Báo cáo triển vọng ngành năm 2022 mới đây của Chứng khoán BSC nhận định, ngành bất động sản được đánh giá khả quan nhờ hưởng lợi từ việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công của chính phủ và kỳ vọng tiến độ xử lý quy trình pháp lý được đẩy nhanh.
Báo cáo này chỉ ra loạt thông tin tích cực tác động đến thị trường bất động sản, cụ thể đó là việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa các khu đô thị vệ tinh, đồng thời đẩy nhanh quá trình đô thị hóa. Điều này phù hợp với xu hướng đầu tư làm dự án ở các đô thị vệ tinh và tỉnh thành cấp 2-3 của nhiều doanh nghiệp bất động sản như Vinhomes, Novaland, Nam Long, Phát Đạt, Đất Xanh, An Gia, hay Văn Phú – Invest.
Báo cáo BSC nhận định, cuối năm 2021, do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, hoạt động bán hàng bị hoãn lại, từ đó, nguồn cung sẽ được đẩy dồn sang năm 2022. Bên cạnh đó, tiến độ thi công dự án bị đình trệ và việc bàn giao dự án bị đẩy sang năm 2022, tạo thuận lợi cho việc ghi nhận mức tăng trưởng khả quan trong năm 2022.
Trong giai đoạn 2019 – 2021, hầu hết doanh nghiệp tập trung tích lũy, gia tăng quỹ đất thông qua các hoạt động đấu giá, M&A.
Trên cơ sở đó, BSC dự báo: giá trị mở bán mới năm 2022 ghi nhận mức tăng trưởng mạnh so với giai đoạn 2018 - 2021. Đồng thời, giá trị mở bán mới của một số doanh nghiệp được dự báo đạt mức đỉnh trong giai đoạn 5 năm trở lại đây, qua đó đảm bảo triển vọng lợi nhuận giai đoạn 2023 - 2025.
Đánh giá tổng quan thị trường ở góc độ đầu tư cá nhân, ông Cao Minh Thành, Tổng giám đốc MLAND Pro nhận định, thị trường bất động sản 2022 đang hội tụ nhiều lợi thế tăng trưởng tốt. 2022 là năm mà theo ông Thành nhận định, giá bất động sản sẽ lên cao. Và đây là thời điểm tốt để nhiều người đẩy hàng. Đây cũng là giai đoạn đỉnh của thị trường bất động, lặp lại hình ảnh giai đoạn 2009-2010 nhưng sẽ không có bong bóng. Và đến năm 2023, bất động sản có xu hướng đi xuống.