Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, thị trường bất động sản là một trong những chỉ báo quan trọng của sự phát triển, sự đô thị hoá của một nền kinh tế, bởi các nền kinh tế đang trong quá trình phát triển như Việt Nam thì đô thị hoá lại càng quan trọng. "Cùng với vai trò là động lực phát triển, lĩnh vực này đồng thời có nguy cơ gây bất ổn định nền kinh tế nếu chúng ta không kiểm soát" – TS Lộc nhấn mạnh.
Bất động sản, xây dựng là một trong những lĩnh vực tạo ra nhiều việc làm nhất trong nền kinh tế, đồng thời kéo theo các lĩnh vực liên quan phát triển. Do đó, có thể thấy tác động lan toả của bất động sản, xây dựng với phát triển của mỗi nền kinh tế.
Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI cũng thông tin, thị trường bất động sản đang phát triển bất ổn do tác động của COVID-19, các dự án dừng hoãn, những chồng chéo về pháp luật trong thủ tục đang là trở ngại cho sự gia tăng nguồn cung của thị trường bất động sản trong khi nhu cầu vẫn cao, đặc biệt phân khúc nhà ở xã hội. Trong khi đó, phân khúc văn phòng lại có tỉ lệ tiêu thụ thấp.
Ông Lộc chỉ ra, vốn đầu tư FDI cho bất động sản cũng giảm mạnh trong những tháng qua. Số doanh nghiệp thành lập mới giảm 12% so với cùng kỳ, các doanh nghiệp xây dựng tạm ngừng kinh doanh 94% trong quý 1/2020, tồn kho bất động sản tăng.
"Thị trường bất động sản đang đứng trước giai đoạn khó khăn. Do đó, cần bàn các giải pháp để phát triển thị trường bất động sản do đây là một trong những thị trường góp phần kích hoạt quan trọng cho quá trình phục hồi nền kinh tế", TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Đứng ở vị trí của cơ quan lãnh đạo trực tiếp ngành bất động sản, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh, tại Việt Nam, dịch bệnh COVID-19 đã tác động tiêu cực tới nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Với thị trường bất động sản, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện một số giải pháp để hỗ trợ thị trường bất động sản.
Theo đó, giải pháp về thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội: Cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 và bổ sung 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 04 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định, từ đó có thể huy động được hơn 60.000 tỷ để thực hiện hỗ trợ cho doanh nghiệp vay xây nhà ở xã hội và người dân vay để mua, thuê nhà ở xã hội.
Đồng thời, sửa đổi, bổ sung theo quy trình rút gọn một số nội dung của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội như cơ chế dành quỹ đất 20%, về xác định lợi nhuận định mức, về hoàn trả nghĩa vụ tài chính, về tăng cường sự quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư xây dựng nhà ở xã hội...
Cùng với đó, ông Sinh cho biết, Dự thảo Nghị quyết về khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp đang được Bộ Xây dựng khẩn trương hoàn thiện và dự kiến trình Chính phủ thông qua trong quý III/2020.
Theo đó, nhà ở thương mại giá thấp để bán có tiêu chuẩn thiết kế căn hộ khép kín, diện tích sử dụng dưới 70 m2, giá bán không quá 20 triệu đồng/m2; tối đa một căn hộ được bán với giá không vượt quá 1,5 tỷ đồng (bao gồm cả VAT). Nghị quyết này sẽ đưa ra nhiều nhóm cơ chế chính sách ưu đãi về tiền sử dụng đất, về thuế, về thủ tục đầu tư xây dựng, về cơ chế huy động vốn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào loại hình nhà ở này.
"Có thể nói các giải pháp của Chính phủ vừa qua là cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng tạo đà khôi phục lại sản xuất kinh doanh", ông Sinh nhấn mạnh.
Tại diễn đàn, Bà Nguyễn Thị Vân Khanh – Giám đốc cấp cao thị trường vốn JLL Việt Nam cho biết một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy được thị trường bất động sản Việt Nam là nguồn vốn FDI. Trong 10 năm trở lại đây, nguồn vốn này đã có sự tăng trưởng liên tục, tuy nhiên 6 tháng đầu năm 2020 đã có phần chậm lại, do hiện tại việc hạn chế di chuyển và nhà đầu tư có xu hướng đánh giá danh mục đầu tư của họ. Dự kiến nếu dịch COVID được kiểm soát thì lượng vốn FDI sẽ có xu hướng tăng trở lại trong 6 tháng cuối năm.
Đánh giá tổng quan về thị trường bất động sản Hà Nội trong quý II/2020, bà Vân Khanh cho biết, nguồn cung bất động căn hộ có sự sụt giảm đáng kể so với quý I. Tuy nhiên, lượng hấp thụ có sự gia tăng trong quý, đây là điều khá tích cực.
"Nguồn cung tham gia vào quý I và quý II phần lớn nằm ở khu vực ngoài trung tâm. Điều đó thể hiện quỹ đất trung tâm thành phố đang cạn, quỹ đất ở ngoài trung tâm đang được tận dụng. Đặc biệt, sau thời điểm COVID, lượng người mua nhà ở nhu cầu thực tế đang cân nhắc, tích cực tham gia vào thị trường. Xu hướng về giá, chủ đầu tư không có xu hướng giảm giá, tuy nhiên đã có những chính sách hỗ trợ người mua" – bà Khanh đánh giá.
Bà cũng cho biết, về nguồn cung văn phòng, 6 tháng đầu năm không có nguồn cung mới, một số dự án dự kiến hoàn thành trong quý II, tuy nhiên đã bị trễ do ảnh hưởng của COVID-19 và dự kiến những tháng cuối năm nguồn cung sẽ được bổ sung đáng kể. Khách thuê có nhu cầu về không gian văn phòng hạng A đang rất lớn, công suất lấp đầy hạng B, hạng A đang có tín hiệu tốt.
"Thị trường bán lẻ là thị trường có nhiều ảnh hưởng trong giai đoạn này, song khi chính sách nới lỏng giãn cách thì thị trường này phục hồi khá tích cực" – bà Khanh nhìn nhận.
Về bất động sản công nghiệp, đây là lĩnh vực đang nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư Mỹ, tổ chức Hong Kong. Một trong những khó khăn, rào cản này thường gặp đó là quỹ đất sạch, tìm kiếm đối tác địa phương để hợp tác.