Nhiều xung lực phát triển
Đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam nói chung, gây đứt gãy chuỗi hoạt động kinh doanh, sản xuất của nhiều ngành nghề và bất động sản cũng không ngoại lệ.
Theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), năm 2021, hầu hết các dự án bất động sản trên cả nước đều đã phải dừng xây dựng thi công vì chỉ thị giãn cách và việc đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, thiết bị. Nhiều dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư cũng không thể triển khai khiến nguồn cung trên thị trường vốn dĩ đã thiếu hụt càng không có cơ hội để cải thiện. Trong đó, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng được xem là phân khúc chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất khi gần như bị "đóng băng" trong suốt hai năm qua.
Đơn cử như "thủ phủ" du lịch Đà Nẵng, vốn được mệnh danh là địa điểm phát triển du lịch hàng đầu của cả nước, song dưới sự tác động của làn sóng Covid-19, thị trường này gần như "nằm im", tăng trưởng kinh tế âm. Trước bối cảnh thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng trầm lắng với phông nền ảm đạm, Duyên hải Bắc Bộ lại nổi lên như một điểm sáng, nổi bật là Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình.
Lý giải nguyên nhân, trong buổi Hội thảo: "Xung lực thị trường bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng vùng Duyên hải Bắc Bộ" diễn ra mới đây, các chuyên gia, nhà quản lý nhận định, Duyên hải Bắc Bộ là khu vực sở hữu nhiều xung lực về tự nhiên, tiềm năng kinh tế, thương mại và du lịch. Đây là khu vực có các tỉnh thành đang trong thời kỳ đầu tư phát triển về kinh tế, công nghiệp, có tốc độ đô thị hóa cao và được đánh giá là có nhiều tiềm năng khai thác kinh doanh, thương mại và du lịch. Vì vậy, thị trường bất động sản Duyên hải Bắc Bộ vẫn diễn ra sôi động dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong thời gian qua.
Chia sẻ tại Hội thảo, PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhìn nhận, Duyên hải Bắc bộ là một khu vực sở hữu nhiều lợi thế phát triển. Trong đó nổi bật là lợi thế cho sự phát triển bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Ở đây có sự kết hợp hài hoà của nhiều yếu tố như vị trí địa lý, cảnh quan tự nhiên, văn hoá, lịch sử, hạ tầng giao thông.
"Những lợi thế của Duyên hải Bắc Bộ thì không có gì phải bàn cãi, song điều tôi muốn nhấn mạnh là cơ sở hạ tầng nơi đây đang ngày càng đồng bộ, không ngừng được đầu tư, hiện đại. Đơn cử như Quảng Ninh, Hải Phòng.
Sự phát triển về hạ tầng, giao thông đang là lực đẩy lớn nhất cho việc kết nối các vùng miền trong cả nước, giúp thu hút đông đảo khách du lịch nội địa và quốc tế", PGS. TS Trần Đình Thiên đánh giá.
Ngoài ra, chuyên gia này cũng cho rằng, khi đại dịch diễn biến phức tạp, Duyên hải Bắc Bộ vẫn sáng lên như một địa điểm du lịch đáng đến thì khi bước sang giai đọan "bình thường mới", khu vực này sẽ càng bứt tốc hơn nữa. Cụ thể, trong năm 2022, khu vực Duyên hải Bắc Bộ sẽ đón nhận 4 xung lực chính.
Thứ nhất là tâm thế của người dân đã có sự thay đổi, tự tin hơn, chấp nhận sống chung với Covid-19.
Thứ hai là nền kinh tế Việt Nam sẽ có sự phục hồi trong năm 2022 mặc cho kinh tế thế giới chắc chẵn sẽ có sự chững lại do chiến tranh giữa Nga - Ukraine. Chưa kể một số khu vực sẽ rơi vào tình trạng lạm phát. Kể cả khi cuộc chiến này có sự ảnh hưởng lớn đến thi trường Việt Nam thì theo nhiều ghi nhận, mức tăng trưởng GDP trong năm nay vẫn sẽ đạt 5,3%.
Thứ ba là xung lực đến từ gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ của Chính phủ. Trong đó du lịch được coi là một trong những lịch vực trọng tâm được hỗ trợ.
Thứ tư là là tinh thần và những hành động quan tâm, gỡ khó của Chính Phủ cho việc mở cửa và phát triển du lịch, nghỉ dưỡng.
Điểm sáng Quảng Ninh
Theo ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS - Quảng Ninh là địa phương nổi bật trong mảng bất động sản bất động sản du lịch nghỉ dưỡng với gần 17.200 sản phẩm. Với các tuyến đường cao tốc, du khách chỉ cần chưa đến 2 tiếng để đi từ trung tâm Hà Nội đến Quảng Ninh. Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng được đánh giá là tam giác kinh tế năng động và nổi bật của nước ta.
Với bề dày văn hóa lịch sử cùng cảnh quan thiên nhiên được ưu đãi, du khách có thể tìm thấy nhiều hình thức du lịch hấp dẫn như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, du lịch văn hóa…
"Quảng Ninh vẫn còn dư địa để phát triển ngành du lịch cũng như mảng bất động sản du lịch trong tương lai gần", ông Đính nhấn mạnh.
Ông Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam - nhấn mạnh xung lực bất động sản du lịch nghỉ dưỡng Quảng Ninh đến từ những sáng kiến huy động nguồn lực xã hội, các doanh nghiệp đầu tư vào bất động sản, tạo đẳng cấp khác biệt cho tỉnh.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh cũng khẳng định, Quảng Ninh là tỉnh không cần xin Trung ương tiền mà chỉ cần xin cơ chế. Đây là tỉnh đầu tiên tự làm cao tốc, chứng tỏ Quảng Ninh đang có một nguồn lực, xung lực rất lớn.
Cũng theo ông Thành, Quảng Ninh lấy du lịch làm mũi nhọn nhưng trong hai năm vừa qua tăng trưởng kinh tế vẫn dương, chứng tỏ tỉnh có các chính sách phát triển đúng đắn, "trọng tâm nhưng không phụ thuộc".
"Quảng Ninh đang là tỉnh có sự quy hoạch bài bản nhất và sắp tới Quảng Ninh sẽ tiếp tục công tác quy hoạch. Điều này sẽ đóng góp vai trò cực kỳ quan trọng trong phát triển kinh tế nói chung và du lịch nói riêng", ông Thành nhấn mạnh.