Trung Quốc đang thúc đẩy hoạt động bơm tiền ngắn hạn vào hệ thống tài chính. Đây là dấu hiệu cho thấy giới chức nước này đang nỗ lực xoa dịu thị trường trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại về nhu cầu vốn ở thời điểm cuối quý III và cuộc khủng hoảng nợ của tập đoàn bất động sản Evergrande.
Ngày 17/9, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã bơm ròng 90 tỷ NDT (13,9 tỷ USD) thông qua các hợp đồng repo ngược kỳ hạn 7 ngày và 14 ngày. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 2 và cũng là đợt bơm 10 tỷ NDT thanh khoản ngắn hạn vào hệ thống ngân hàng trong 1 ngày vào tháng này.
Động thái này được đưa ra trong bối cảnh Evergrande đang đối mặt với cuộc khủng hoảng về khả năng tài chính, có thể là mối đe dọa lớn đối với thị trường bất động sản và tín dụng của nước này.
Ngoài ra, một yếu tố gây căng thẳng nữa là nhu cầu đối với tiền mặt tăng đột biến trong thời gian gần đây. Nguyên nhân là do các ngân hàng muốn giảm bớt hoạt động cho vay vào cuối quý, khi chuẩn bị cho các cuộc kiểm tra theo quy định. Thanh khoản cũng có xu hướng bị thắt chặt trước kỳ nghỉ lễ kéo dài 1 tuần ở Trung Quốc vào đầu tháng 10.
Alvin Tan - trưởng nhóm chiến lược ngoại hối châu Á tại Royal Bank of Canada, cho biết: "Công bằng mà nói, tình hình của Evergrande và những tác động của công ty này với thị trường bất động sản sẽ có tác động trực tiếp đến đà tăng trưởng của Trung Quốc, rủi ro lớn hơn so với những cuộc trấn áp về quy định khác. Tôi không ngạc nhiên nếu PBOC đang nỗ lực kiểm soát rủi ro trên thị trường tiền tệ."
Hiện tại, động thái của PBOC vẫn chưa làm giảm lãi suất thị trường tiền tệ. Lãi suất repo 7 ngày - chỉ báo của chi phí đi vay liên ngân hàng, tăng 12 điểm cơ bản lên 2,39%, cao nhất kể từ tháng 7. PBOC đã bơm 50 tỷ NDT thông qua các hợp đồng repo ngược kỳ hạn 7 ngày và 50 tỷ NDT thông qua các hợp đồng 14 ngày. Khoảng 10 tỷ NDT sẽ đến hạn vào ngày 17/9.
Trước đó, ở phiên giao dịch ngày 16/9, cổ phiếu bất động sản Trung Quốc đồng loạt bị bán tháo, do lo ngại về việc kiểm soát nợ của giới chức đã khiến Evergrande rơi vào cảnh hỗn loạn.
Theo dữ liệu của FactSet, chỉ số Lippo Select HK & Mainland Property giảm 4,9% và đóng cửa phiên ngày hôm qua ở mức thấp nhất trong hơn 4 năm. Cổ phiếu bất động sản lao dốc đã kéo Hang Seng Index của Hong Kong giảm khoảng 1,5%, chạm mức đóng cửa thấp nhất trong năm 2021.
Chỉ số Lippo Select - gồm 52 cổ phiếu, chủ yếu là các doanh nghiệp bất động sản có trụ sở tại Trung Quốc đại lục. Trong năm nay, chỉ số này đã giảm 23%, do Bắc Kinh gây áp lực lên các nhà phát triển bất động sản nhằm hạ nhiệt đà tăng nóng của thị trường này.
Theo Lung Siufung - nhà phân tích của CCB International Securities, một số nhà đầu tư lo ngại việc Bắc Kinh đẩy mạnh kế hoạch kiểm soát nợ sẽ khiến nhiều nhà đầu tư gặp rắc rối hơn. Không chỉ vậy, các công ty liên quan cũng bị ảnh hưởng.
William Shek - chuyên gia của công ty quản lý quỹ phòng hộ Zeal Asset Management, cho biết, tình thế hiện tại của Evergrande đã thúc đẩy "tâm lý tiêu cực đến mức cực đoan" đối với toàn bộ lĩnh vực này.
Cả những công ty mắc nợ nhiều và công ty có bảng cân đối kế toán lành mạnh cũng hứng chịu cơn bán tháo ngày hôm qua. Guangzhou R&F Properties Co. - được xếp hạng trái phiếu rác, giảm 12% và Shimao Group Holdings Ltd. - được xếp hạng trái phiếu điểm đầu tư, cũng mất 10%. Trong khi đó, 2 công ty lớn là Evergrande và China Vanke lần lượt rớt 6,4% và 3%.
Các công ty quản lý bất động sản cũng chịu ảnh hưởng tương tự. Đây là những công ty chuyên về dịch vụ quản lý các khu chung cư, hỗ trợ người dân với các vấn đề như chăm sóc trẻ em, sửa chữa và kinh doanh tạp hoá. Lĩnh vực này đã nở rộ trong những năm gần đây, khi nhiều nhà phát triển niêm yết mảng bất động sản - dịch vụ.
Chỉ số Hang Seng Property Service and Management - gồm 30 thành viên, giảm 7,2% ở phiên hôm qua, đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ khi ra mắt vào tháng 4.
Tham khảo Bloomberg; WSJ