Giá đất tăng nóng
Những tháng đầu năm 2022, thị trường bất động sản một số khu vực như: Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Hà Tĩnh, Bình Phước,... biên độ tăng “nóng” về giá bán liên tục theo chiều hướng dựng đứng.
Lợi dụng thông tin các địa phương điều chỉnh quy hoạch, “cò” đất ồ ạt đẩy giá trị các khu đất lên cao, thậm chí đất nông nghiệp, đất nằm trong diện quy hoạch… cũng được rao bán với giá “trên trời”. Việc tăng giá đất hiện vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhiều năm qua, sau mỗi cơn “sốt đất”, một bộ phận nhà đầu tư giàu lên nhờ mua sớm bán nhanh, nhưng cũng có không ít người không kiếm được đầu ra sản phẩm.
Anh Thành - một nhà đầu tư tại Hà Nội cho biết: “Tôi mua 2 nền đất tại một dự án ở Bắc Giang vào đầu năm 2021, mỗi nền khoảng 100m2 với mức giá 1,5 tỷ đồng/lô. Đến gần cuối năm 2021, tôi chuyển nhượng lại lời mỗi nền 400 triệu đồng”.
Tuy nhiên, cũng tại khu vực này, một nhà đầu cơ khác là anh Nguyễn Thành Văn lại kém may mắn. Anh Văn cho biết, cuối năm 2021, anh mua một mảnh đất với giá 2,3 tỷ đồng, diện tích 100m2, nghĩ giá đất đang tăng, sẽ chốt lời sớm, nhưng 4 tháng qua, anh rao bán, thậm chí nhờ nhân viên môi giới bán lại với giá gốc nhưng vẫn không ra được hàng.
“Tưởng rằng đang trong lúc bất động sản tăng nóng việc chốt cũng sẽ dễ hơn. Nhưng thực tế, thời gian qua tôi đã nhờ nhiều môi giới nhưng vẫn không thể bán được mảnh đất đó. Một số người khu vực này vẫn có thể bán được nhưng lượng giao dịch theo tôi quan sát cũng khá ít, việc mua bán như hên xui”, anh Văn chia sẻ.
Trước việc mua ngọn bán đáy sản phẩm bất động sản, anh Nguyễn Văn Hải - nhà đầu tư lâu năm tại Hà Nội cho rằng, hiện nay, giá bất động sản ở một số địa phương còn nhiều bất cập, quá cao so với giá trị thực tế. Điều này không phải quy luật của kinh tế thị trường mà là sự thao túng nhằm trục lợi của một bộ phận.
Chẳng hạn, trước thông tin chưa rõ ràng về quy hoạch, hạ tầng xã hội hay địa phương từ huyện lên quận, hay huyện sắp lên thị trấn... là giới “cò” đất, một số doanh nghiệp làm ăn bất minh thay nhau “thổi” giá đất, cho nhân viên diễn cảnh mua bán nhộn nhịp để thu hút những nhà đầu cơ nhẹ dạ cả tin.
Mạnh tay siết tung tin đồn “thổi” giá
Trước việc thị trường bất động sản nhiễu loạn, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, nên đánh thuế chuyển nhượng cao, nếu nhà đầu tư mua đi bán lại sẽ bị đánh thuế cao trong vài năm đầu khi chuyển nhượng. Đồng thời, Nhà nước cũng cần đánh thuế những người có nhiều bất động sản và đánh thuế ở mức cao nếu không đưa đất vào sử dụng. Ngoài ra, cần thiết phải xử lý nghiêm các tổ chức có dấu hiệu tiếp tay, các “đầu nậu”, “cò” đất tung tin, đồn nhảm để trục lợi.
“Để hạn chế, ngăn chặn tình trạng “sốt đất ảo”, chính quyền cần minh bạch, công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất..., tránh trường hợp ém nhẹm thông tin rồi đưa không đúng lúc, tạo cơ hội cho đối tượng đầu cơ trục lợi thông tin, kiểu như xem thông tin quy hoạch là thông tin ngầm. Vấn đề minh bạch thông tin là cốt lõi để tạo ra một thị trường bất động sản minh bạch. Khi mọi thứ minh bạch thì hiện tượng sốt ảo, sốt giả tạo sẽ khó có môi trường để hình thành” - ông Châu phân tích.
Ông Sử Ngọc Khương - Giám đốc Cấp cao Savills Việt Nam nhận định, câu chuyện “sốt” đất vẫn là câu chuyện dài, rất khó chấm dứt trong một sớm một chiều và nó là lực cản cho sự phát triển của đất nước.
Do đó, hơn lúc nào hết, các cơ quan quản lý Nhà nước hiện nay cần phải có những biện pháp quyết liệt và triệt để hơn nhằm ngăn chặn tình trạng này. Trong đó, cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân để không bị dao động bởi những thông tin không đầy đủ.
Ngoài ra, có sắc thuế đánh trên hành vi của người sử dụng đất nhưng chậm đưa đất vào sử dụng với thuế suất cao nhằm triệt tiêu ý chí “găm giữ” đất và để chống đầu cơ đất đai, tạo ra sốt đất.