BĐS Đà Nẵng, Quảng Nam trải qua cơn bĩ cực
Tại "Hội thảo trực tuyến Sự trỗi dậy của thị trường BĐS Đà Nẵng, Quảng Nam trong trại thái bình thường mới", các chuyên gia đều nhìn nhận, bất động sản khu vực này đã và đang trải qua giai đoạn đầy khó khăn.
Nhìn vào bức tranh của thị trường Đà Nẵng và Quảng Nam suốt 5 năm qua, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận R&D DKRA ViệtNam nhận định, thị trường BĐS miền trung với các phân khúc đất nền phân lô và BĐS nghỉ dưỡng với condotel là chủ đạo. Những phân khúc khác như căn hộ, nhà phố/biệt thự tại thị trường Đà Nẵng nguồn cung khá khiêm tốn, số lượng dự án đưa ra thị trường không nhiều, sức cầu chung toàn thị trường ở mức trung bình.
Thị trường bất động sản từng trải qua giai đoạn khó khăn.
"Năm 2017 – 2018 đến đầu 2019, sốt đất nền đến mức bong bóng đã tác động mạnh đến thị trường Đà Nẵng - Quảng Nam. Đến giữa 2019 cơn sốt hạ nhiệt và đi vào giai đoạn trầm lắng. Nếu giai đoạn 2017 – 2018 mức giá mua đi bán lại trên thị trường thứ cấp tăng 80% - 100%/năm (tùy dự án, khu vực mức tăng khác nhau) thì từ giữa 2019 đến 2021 thị trường không có nhiều biến động. Tuy nhiên mặt bằng giá BĐS năm 2021 giảm trung bình khoảng 15% - 20%, cục bộ nhiều khu vực có mức giảm lên đến 30% – 35% so với năm 2019", ông Hoàng cho hay.
Trên góc độ là doanh nghiệp phát triển dự án, ông Trần Ngọc Thái, Phó Tổng Giám đốc Đất Xanh Miền Trung nhận định, BĐS Đà Nẵng và Quảng Nam từng trải qua "cơn bĩ cực" và chuẩn bị bước vào giai đoạn "thái lai".
Theo ông Thái, trước khi thị trường chịu tác động từ Covid-19 nặng nề, từ tháng 4-2019 đến tháng 1-2020, giá bất động sản Đà Nẵng đã giảm 20-30%. Đến khi dịch bệnh tác động, giá bất động sản tiếp tục giảm 20-25%. Như vậy, giá bất động sản Đà Nẵng có nơi giảm tới 50%.
Đến 2021, thị trường bất động sản Đà Nẵng đã dần phục hồi. Các đợt dịch hiện đã không ảnh hưởng mạnh của giá trị của bất động sản Đà Nẵng và hiện thị trường nơi đây đang đi ngang.
Giai đoạn bùng nổ của thị trường bất động sản Đà Nẵng, Quảng Nam
Chung nhận định với các chuyên gia, bà Nguyễn Thị Thúy Linh, đại diện Sungroup cũng cho rằng, thị trường bất động sản Đà Nẵng đang rơi vào giai đoạn đóng băng. Tuy nhiên, bước năm 2022, thị trường nơi đây sẽ bước vào giai đoạn hoàn toàn mới với nhiều triển vọng.
Trong khi đó, ông Hoàng nhận định, sau gần 2 năm khá trầm lắng, đã đến lúc thị trường BĐS Đà Nẵng - Quảng Nam cần trỗi dậy trở lại theo đúng tiềm năng. Tuy nhiên, theo ông Hoàng, để có những bước phá tan sự trầm lắng đó, trước tiên Nhà nước và địa phương cần nhanh chóng khôi phục lại các hoạt động du lịch vốn là lợi thế có sẵn và nó là phần đóng góp quan trọng kinh tế của Đà Nẵng.
"Với những tiềm năng sẵn có, những cơ sở nền tảng đã hoạch định, những đột phá thay đổi sẽ làm cho thị trường BĐS Đà Nẵng sớm sôi động và phát triển trong một giai đoạn mới để nhanh chóng đưa Đà Nẵng lên một tầm cao mới", ông Hoàng khẳng định.
Ông Thái cũng chỉ ra tín hiệu lạc quan của thị trường BĐS Đà Nẵng như chỉ số thanh khoản trung bình đã trở lại. Ông Thái dự báo, giai đoạn tới, thị trường Đà Nẵng sẽ bùng nổ.
Lý giải về nhận định này, ông Thái đưa ra 3 lý do.
Thứ nhất là chính sách thu hút đầu tư và tháo gỡ vướng mắc đang tập trung cho các dự án có tính chiến lược tại Đà Nẵng, Quảng Nam.
Thứ hai, triển vọng đến từ nội lực của Đà Nẵng và Quảng Nam trong phát triển du lịch. Đặc biệt, trong vòng 5 năm trở lại đây, khu vực này có chuyển biến mới trong lĩnh vực công nghiệp cao tạo ra sự cạnh tranh tốt với các địa phương khác. Đây là điều khá thuận lợi khi dịch đang ảnh hưởng tới ngành du lịch thì các ngành kinh tế khác sẽ là bệ đỡ tốt.
Thứ ba, về dư địa phát triển về giá trị bất động sản. Theo ông Thái, nếu như giai đoạn 2020-2021 thị trường phía Bắc và phía Nam ghi nhận giá trị BĐS tăng vùn vụt dù dịch bệnh hoành hành thì tại miền Trung, dịch bệnh ảnh hưởng nên khách du lịch không tới. Vô tình, thị trường BĐS miền Trung trở thành vùng trũng về bất động sản khi 2 đầu Bắc Nam giá lên cao. Trong tương lai, GDP của Đà Nẵng và Quảng Nam sẽ tăng trưởng mạnh.
Tuy nhiên theo ông Thái xu hướng các sản phẩm bất động sản tại các địa phương sẽ ngày trở nên chất lượng hơn. Khi thu nhập bình quân đầu người gia tăng thì đồng nghĩa với nhu cầu về sản phẩm tăng cao. Điều này yêu cầu sự khắt khe hơn từ phía chủ đầu tư.
"Có 5 tiêu chí mà trong tương lai người ta sẽ ưu tiên lựa chọn sản phẩm. Cụ thể, một là dự án phải có quy hoạch đẹp như một tác phẩm nghệ thuật. Hai, dự án phải có ứng dụng công nghệ trong quản lý chung cư và ngôi nhà. Ba là tiêu chuẩn chất lượng hoàn thiện công trình cao. Bốn là tiêu chuẩn xanh, sạch trong dự án phải đáp ứng đầy đủ. Năm là thu hút khách hàng trong giai đoạn mới sau dịch.
Một dự án hiện tại phải tích hợp đầy đủ các tiện ích trong nội khu, đáp ứng nhu cầu của cả người già và trẻ nhỏ. Bởi sau đợt dịch, người mua quan tâm tới khu đô thị vừa có thể đáp ứng được nhu cầu lương thực thực phẩm, vừa có cả khu vui chơi, giải trí. Một căn nhà mà khách hàng lựa chọn trong tương lai không đơn thuần là nơi để ở mà còn là nơi khiến người ta tự hào và cảm thấy hạnh phúc".