Theo dữ liệu của Numbeo, tỷ lệ giá nhà trên thu nhập của TP. HCM và Hà Nội tăng đáng kể chỉ trong năm 2021. Cụ thể, đầu năm 2021, tỷ lệ giá nhà trên thu nhập tại TP. HCM đang là 22,15 lần. Đến giữa năm 2021, con số này là 26,65. Thời điểm hiện tại, tỷ lệ này đã đạt lên mức 27,69.
Trên thực tế, TP. HCM trước đó đã vượt Bangkok, Singapore, Jakarta và Tokyo, dần trở thành một trong những thành phố có bất động sản đắt đỏ nhất khu vực châu Á. Theo bảng xếp hạng tỷ lệ giá nhà trên thu nhập mới nhất, TP. HCM chỉ xếp sau Seoul (Hàn Quốc), Phnom Penh (Campuchia), đứng trên cả Jakarta (Indonesia).
Trong khi đó, thu nhập bình quân tháng của lao động tại TP. HCM trong năm vừa qua mặc dù tăng, song không đáng kể nếu so với mức tăng của giá bất động sản. Cụ thể, thu nhập bình quân của lao động tại TP. HCM quý 1/2021 đạt khoảng 8,9 triệu đồng/tháng, tăng hơn 690.000 đồng so với quý trước.
Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người tại TP. HCM đứng thứ 2 cả nước, đạt khoảng 6,3 triệu đồng/người//tháng. Con số này thấp hơn cả năm 2019 (với mức 6,4 triệu đồng/người/tháng), do ảnh hưởng đáng kể của đại dịch COVID-19. Nhìn chung trong giai đoạn 2016-2018, thu nhập bình quân đầu người tại TP. HCM ghi nhận mức tăng lần lượt từ 5,4 triệu đồng/người/tháng, 5,7 triệu đồng/người/tháng, đến 6,1 triệu đồng/người/tháng.
Tại Hà Nội, tỷ lệ giá nhà trên thu nhập ghi nhận tăng trong giai đoạn từ đầu đến giữa năm, song lại giảm ở thời điểm hiện tại. Cụ thể, tỷ lệ giá nhà trên thu nhập ở Hà Nội đầu năm 2021 là 17,96. Đến giữa năm, con số này tăng lên mức 18,77. Vào thời điểm hiện nay, dữ liệu Numbeo ghi nhận tỷ lệ này giảm xuống mức 17,48.
Xét về thu nhập, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lương bình quân tháng của lao động làm công ăn lương tại Hà Nội cũng tăng nhẹ theo thời gian. Quý 2/2020, lương bình quân của lao động tại đây là 7,45 triệu đồng/người/tháng. Sang quý 3/2020, con số này tăng lên khoảng 7,73 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, quý 4/2020 ghi nhận mức giảm nhẹ với lương bình quân lao động tại Hà Nội, ở mức 7,69 triệu đồng/người/tháng. Quý 1/2021, con số này đạt khoảng 8,73 triệu đồng/người/tháng.
Theo các chuyên gia, nhu cầu tìm kiếm bất động sản tại Việt Nam đã tăng trở lại khi nới lỏng giãn cách. Trong khi đó, nguồn cung giảm và giá bất động sản tăng ở hầu hết các tỉnh. Đáng chú ý, theo Giám đốc cấp cao CBRE, dự kiến giá căn hộ sơ cấp tiếp tục đà tăng trong tương lai do chi phí đất tăng, chi phí xây dựng leo thang, nhiều sản phẩm mới ở phân khúc cao hơn, lượng cầu ổn định và nguồn cung tạm thời còn nhiều hạn chế.
Đặc biệt, nhu cầu nhà phố, biệt thự ở mức cao, tạo triển vọng mạnh mẽ. "Cơ sở hạ tầng ngày càng tầng ngày càng phát triển tạo động lực cho nguồn cung và giá bất động sản gắn liền thổ tiếp tục tăng ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP. HCM".
Nhìn chung, tại một số thị trường ghi nhận bất động sản tăng trưởng "nóng", như Seoul (Hàn Quốc), Bắc Kinh (Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan)... tỷ lệ giá nhà trên thu nhập cũng tăng mạnh chỉ trong 1 năm vừa qua. Điển hình như tại Bắc Kinh, tỷ lệ giá nhà trên thu nhập đầu năm nay là 41,7; giữa năm vào khoảng 42,47, thì thời điểm hiện tại đã lên đến 49,36.
Hay như Seoul, đầu năm 2021, tỷ lệ giá nhà trên thu nhập đang ở mức 28,86, giữa năm là 29,69, đến hiện tại là khoảng 31,42 lần. Với Bangkok, tỷ lệ này ghi nhận giảm nhẹ, từ mức 28,74 hồi đầu năm, xuống khoảng 26,24 vào giữa năm, và hiện tại tăng nhẹ lên 27.