Cụ thể, tổng nguồn cung sản phẩm nhà ở đưa ra thị trường của 65 dự án với tổng số 23.759 căn nhà (trong đó có 22.684 căn hộ và 1.075 căn nhà thấp tầng), với tổng giá trị huy động vốn đạt 43.761 tỷ đồng. Trong đó, phân khúc cao cấp có 7.444 căn, chiếm tỷ lệ 31,3%; phân khúc trung cấp có 11.731 căn, chiếm tỷ lệ 49,4%; phân khúc bình dân có 4.584 căn, chiếm tỷ lệ 19,3%.
Theo HoREA, so với tình hình thị trường BĐS thành phố 9 tháng năm 2017 thì hiện tại các con số đều thể hiện sự sụt giảm: Số lượng dự án giảm 11,1%; tổng số căn nhà đưa ra thị trường giảm 39,2%; phân khúc căn hộ cao cấp giảm 9,6%; phân khúc căn hộ trung cấp giảm 37,5%; phân khúc căn hộ bình dân giảm mạnh đến 68%.
"Cơ cấu sản phẩm bị mất cân đối chưa đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường BĐS và đảm bảo an sinh xã hội vì tỷ lệ căn hộ bình dân chỉ đạt 19,3%, chiếm tỷ lệ quá thấp. Trong khi đó, phân khúc cao cấp chiếm đến 1/3 thị trường (tỷ lệ 31,3%) và đã xuất hiện dấu hiệu thừa cung. Đây là biểu hiện của sự phát triển thị trường BĐS thiếu bền vững", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM nhấn mạnh.
Trong 10 tháng đầu năm 2018, Sở Xây dựng đã trình Ủy ban nhân dân thành phố 116 dự án nhà ở thương mại, tương đương cùng kỳ năm trước, trong đó có 12 dự án trình chấp thuận chủ trương đầu tư; công nhận chủ đầu tư 25 dự án; chấp thuận đầu tư 73 dự án; điều chỉnh chấp thuận đầu tư 6 dự án. Ủy ban nhân dân thành phố đã chấp thuận cho chuyển nhượng 15/23 dự án BĐS (M&A) tăng 27% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Tp.HCM 10 tháng qua đạt 6,22 tỷ USD. Trong đó, nguồn vốn FDI vào thị trường BĐS thành phố tiếp tục tăng trưởng mạnh, đã thu hút được hơn 1 tỷ USD, chiếm 17% tổng nguồn vốn FDI, đứng thứ ba.