Theo trang Nikkei Asia, giá bông giao trong tháng 1 hôm 20/1 tăng khoảng hơn 4% so với cuối năm 2022 lên 87,51 US Cent/pound.
Đại diện một công ty thương mại bông cho biết hồi tháng 1: “Chúng tôi đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa dài hạn trong trường hợp giá tăng”.
Một trong những mối quan tâm lớn nhất lúc này liên quan đến sản lượng ở Pakistan, nước sản xuất lớn thứ năm thế giới với 5% thị phần. Tuy nhiên, lũ lụt lan rộng trong mùa hè đã tàn phá mùa màng bông và những ngày nắng không giúp bớt phần nào.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã cắt giảm ước tính sản lượng hàng năm của Pakistan trong 4 tháng liên tiếp. Theo đó, USDA dự báo sản lượng bông của Pakistan trong niên vụ 2022 - 2023 (kéo dài từ tháng 8/2022 đến tháng 7/2023) sẽ giảm 38% xuống còn 3,7 triệu kiện. Đây là mức thấp nhất trong 40 năm. Một số nhà phân tích cho rằng sự phục hồi có thể mất nhiều năm.
Ở nước láng giềng Ấn Độ, đứng thứ hai thế giới về sản lượng bông với 21% thị phần, chính sách thương mại là mối quan tâm chính. Nước này đã áp đặt các hạn chế vào năm ngoái đối với xuất khẩu lúa mì, đường và các sản phẩm nông nghiệp khác để đảm bảo nguồn cung trong nước và giữ giá ổn định. Mặc dù bông không được đưa vào các biện pháp cấm xuất khẩu, nhưng một số nhà quan sát thị trường cho rằng điều này có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Các quốc gia khác dường như không thể lấp đầy khoảng trống. Thời tiết cũng là một vấn đề ở Mỹ, quốc gia chiếm 15% sản lượng bông toàn cầu. Texas, bang trồng bông lớn tại Mỹ, đã phải đối phó với hạn hán từ mùa xuân năm ngoái. USDA ước tính sản lượng bông trên toàn quốc sẽ giảm 16% xuống còn 14,68 triệu kiện. Mỹ cũng chính là thị trường nhập khẩu bông lớn thứ 2, đồng thời là thị trường xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất của Việt Nam với trên 14 tỷ USD/năm.
Ngoài ra, triển vọng nhu cầu hàng may mặc có thể phục hồi cũng là yếu tố khiến giá bông tăng mạnh. Với dữ liệu cho thấy lạm phát đang hạ nhiệt ở châu Âu và Mỹ, các thị trường kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu sẽ tránh được suy thoái nghiêm trọng, có khả năng thúc đẩy hoạt động mua hàng may mặc.
Đặc biệt, thị trường quần áo lớn nhất thế giới là Trung Quốc bãi bỏ chính sách Zero COVID nghiêm ngặt càng làm tăng thêm những kỳ vọng này.
Người đứng đầu Hiệp hội Thương nhân Bông Nhật Bản cho biết: “Nếu nhu cầu phục hồi, cán cân cung - cầu có thể thắt chặt, đẩy giá kỳ hạn lên cao”.
Giá bông cao hơn có thể chạm đến túi tiền của người tiêu dùng. Chỉ số giá tiêu dùng quần áo và giày dép tại Nhật Bản tăng 2,9% trong tháng trước, nhanh hơn mức tăng 2,7% trong tháng 11.
Giá bông tăng cũng ảnh hưởng đến ngành dệt may của Việt Nam. Việc tăng giá tác động tốt đến sự khôi phục của ngành sợi và đối với sản xuất mặt hàng dệt kim - lĩnh vực thế mạnh của dệt may Việt Nam,
Về lâu dài, giá bông tăng cũng sẽ tác động tích cực đến việc định hình lại chiến lược của ngành sợi, hỗ trợ ngành này cơ cấu lại. Việt Nam có thế mạnh sản xuất và xuất khẩu sợi pha, sợi polyester và sợi tổng hợp, Đồng thời, Việt Nam đang hướng tới mục tiêu trở thành trụ cột của thị trường sợi toàn cầu.
Năm 2023, dự báo, kinh tế thế giới vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tổng cầu dệt may thế giới khoảng 700 tỷ USD, giảm 8% so với năm 2022. Tuy nhiên, với dự báo tổng cầu dệt may thế giới phục hồi trong nửa cuối năm 2023, ngành dệt may kỳ vọng kịch bản xuất khẩu thuận lợi cả năm có thể đạt 48 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2022.
Tham khảo: Nikkei Asia