Tăng trưởng vững vàng, vượt trội so với các thị trường khác
Sau 10 năm, kể từ siêu chu kỳ hàng hóa năm 2011, thế giới lại bước vào giai đoạn mà giá cả tăng cao ở mức kỷ lục. Năm 2021 cũng chứng kiến những giai đoạn tăng trưởng đột biến của nhiều nhóm hàng như nông sản, kim loại, hay năng lượng. Các mặt hàng chủ lực của mỗi nhóm đều đạt đỉnh trong vòng nhiều năm như giá ngô từng đạt đỉnh 8 năm vào hồi tháng 4 năm nay, hay giá dầu thô đạt đỉnh 7 năm vào tháng 10 vừa qua. Giá đồng và giá quặng sắt cũng từng cũng chạm mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 5 năm nay. Tuy nhiên, sau đó, trước những tác động từ thị trường, giá của các mặt hàng này đều không giữ được đà tăng và mức đỉnh.
Trái lại, dù không nhận được sự chú ý quá nhiều, giá cà phê vẫn tăng trưởng tốt, và "chễm trệ" trên mức đỉnh 10 năm. Trong nhóm nguyên liệu công nghiệp, giá bông có mức tăng tương tự tuy nhiên, triển vọng có phần thua kém so với thị trường cà phê nên đà tăng đã mất đi trong giai đoạn gần đây.
Trong nửa năm trở lại đây, thị trường cà phê vẫn chứng kiến những mức tăng rất hấp dẫn khi giá Arabica tăng 41,6% lên 5.228,3 USD/tấn, còn giá Robusta tăng hơn 50% lên 2.406 USD/tấn. So với các mặt hàng khác như dầu thô, đồng, hay bông, thì mức tăng của thị trường cà phê có phần áp đảo hơn cả. Bên cạnh đó, đà tăng này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, khi mà các yếu tố hỗ trợ cho giá vẫn có thể tiếp tục duy trì cho giai đoạn sắp tới.
Nỗi lo về nguồn cung vẫn thúc đẩy thị trường đi lên
Cũng như bất kỳ loại hàng hóa hay sản phẩm đầu tư nào khác, giá cà phê cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi các yếu tố vĩ mô như dịch bệnh hay phải đối mặt với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ thắt chặt các chính sách tiền tệ trong thời gian tới. Tuy nhiên, đà tăng vững vàng của cả hai mặt hàng cà phê Arabica và Robusta đều có được sự hỗ trợ lớn khi mà nguồn cung của hai nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới là Việt Nam và Brazil đều ở trong tình trạng bị sụt giảm mạnh.
Đối với thị trường Arabica, sản lượng của Brazil bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán và sương giá trong năm vừa qua. Không chỉ sản lượng của niên vụ 2022/23 bị sụt giảm mà tiềm năng của những niên vụ sau đó cũng bị tổn thất nặng, bởi cà phê vốn là cây công nghiệp lâu năm, và sẽ mất nhiều thời gian để cây sinh trưởng. Mức tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE US đã liên tục giảm từ giữa tháng 8 đến nay, và mức tồn kho mới nhất được ghi nhận vào ngày 15/12 thấp hơn gần 30% so với 4 tháng trước, hiện là 1,56 triệu bao 60kg.
Còn đối với thị trường Robusta, nguồn cung ở Việt Nam vẫn là yếu tố mà các nhà đầu tư đang quan tâm nhất. Hiện các khu vực trồng cà phê trọng điểm của nước ta, với diện tích hơn 100.000 héc ta, đều đang bước vào giai đoạn thu hoạch, tuy nhiên, tiến độ có thể bị chậm do tình trạng khan hiếm nhân công thu hái. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, lượng nhân công đổ về các tỉnh khu vực Tây Nguyên đều ít hơn hẳn so với mọi năm. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn cung xuất khẩu cà phê vào đầu năm sau của nước ta, mà cũng sẽ khiến cho tốc độ canh tác niên vụ mới bị lùi lại.
Nguồn cung khan hiếm cũng phản ánh rõ qua các số liệu xuất khẩu của cả Việt Nam và Brazil. Từ năm 2020 đến nay, xuất khẩu cà phê của hai nước đều giảm. Trong báo cáo gần nhất của Hiệp hội xuất khẩu Cà phê Brazil (Cecafe), khối lượng xuất khẩu của nước này trong tháng 11 giảm gần 40% so với cùng kỳ năm trước. Khối lượng xuất khẩu của Việt Nam cũng có xu hướng giảm từ đầu năm đến nay, do tình trạng thiếu hụt container và tắc nghẽn tại các cảng.
Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải Quan, xuất khẩu tháng 11 của nước ta đạt hơn 107.000 tấn cao hơn 8,3% so với tháng 10. Số liệu tháng 11 tích cực hơn rất có thể xuất phát từ việc lượng hàng bị dồn ứ từ những tháng trước sang tới tháng 11 mới có thể lưu thông, và tình hình tắc nghẽn chuỗi cung ứng đã giảm bớt.
Nhưng triển vọng tiêu thụ còn đối mặt với nhiều khó khăn
Ngoài những tin tức về nguồn cung, triển vọng tiêu thụ cũng là một chất xúc tác mạnh đối với thị trường cà phê. Hiện nay, những diễn biến xoay quanh sự lây lan của biến thể Omicron ở Châu Âu và Bắc Mỹ, vốn là hai khu vực tiêu thụ cà phê lớn nhất thế giới, đang kìm hãm sự tăng trưởng của thị trường cà phê.
Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy, các vắc-xin thông dụng hiện nay của các nhà sản xuất như Moderna, Pfizer không hoàn toàn có tác dụng với biến thể Omicron. Chính phủ các nước cũng đang lên phương án tiêm mũi thứ ba kết hợp với các biện pháp giãn cách. Tuy nhiên, trong thời gian triển khai, các hoạt động của nhà hàng và quán ăn có thể bị hạn chế vì các lệnh phong tỏa, nên nhu cầu tiêu thụ cà phê có thể sụt giảm trong giai đoạn tới, bất chấp việc các nước phương Tây đang bước vào kỳ nghỉ lễ cuối năm.
Trong bối cảnh đó, thị trường Robusta sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn bởi nhu cầu tiêu thụ cà phê tại nhà sẽ tăng mạnh. Đồng thời, giá Robusta cũng đang rẻ hơn 56% so với giá Arabica, nên đây là một mức chiết khấu vô cùng hấp dẫn đối với các nhà rang xay cà phê. Đây cũng là cơ hội tốt với các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của nước ta bởi Việt Nam hiện là nhà sản xuất Robusta số một thế giới.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, dư địa tăng trưởng từ nay đến cuối năm của thị trường cà phê vẫn còn, tuy nhiên, mức tăng trưởng có thể không còn mạnh như trước bởi, nguồn cung đang dần phục hồi và phần lớn những lo ngại đã được phản ánh vào giá. Tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng đã cải thiện hơn so với giai đoạn trước, tuy nhiên nhu cầu tiêu thụ cà phê vẫn bị ảnh hưởng do tác động của các đợt bùng phát dịch liên tiếp sẽ là thách thức của thị trường cà phê cũng như là những doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của nước ta.