Kết thúc phiên giao dịch giữa tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London đảo chiều tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 tăng 10 USD, tức tăng 0,59% lên ở mức 1.706 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 cũng tăng 10 USD, tức tăng 0,59% lên ở mức 1.695 USD/tấn. Cấu trúc giá đảo ổn định khoảng cách.
Trong khi đó, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York có xu hướng hỗn hợp. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 giảm thêm 0,45 cent, tức giảm 0,39% xuống 113,65 cent/lb và các kỳ hạn giao gần đồng loạt tăng 0,25 cent/lb. Cụ thể, kỳ hạn giao tháng 9 tăng 0,21% lên ở mức 116,65 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 cũng tăng 0,21% lên ở mức 120,1 cent/lb. Khối lượng giao dịch duy trì khá cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 200 – 300 đồng/kg, lên dao động trong khung 34.800 – 35.700 đồng/kg.
Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở mức 1.590 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi ở mức 100 – 105 USD theo giá kỳ hạn tháng 9 tại London .
Thị trường hàng hóa thế giới tiếp tục biến động trái chiều khi nhà đầu tư dịch chuyển dòng vốn để tìm kiếm những hàng hóa sinh lợi ngắn hạn. Thị trường hàng hóa có dấu hiệu tăng sức mua ở vùng giá thấp trong khi chứng khoán toàn cầu vẫn chưa hết chao đảo sau khi Mỹ áp thuế bổ sung trị giá 200 tỷ USD lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc khiến căng thẳng thương mại leo thang giữa hai nền kinh tế lớn thứ nhất và thứ nhì thế giới.
Giá cà phê suy yếu kéo dài tuy đã được thị trường dự đoán do toàn cầu niên vụ cà phê 2018/2019 gia tăng sản lượng, theo ước báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) là tăng thêm 11,4 triệu bao. Chủ yếu do sản lượng Brasil cả hai loại Conilon Robusta và Arabica tăng 9,3 triệu bao lên ở mức 60,2 triệu bao. USDA cũng ước báo sản lượng Robusta của Việt Nam vụ thu hoạch năm nay sẽ tăng 2% lên 28,8 triệu bao và Indonesia tăng 5% lên 11,1 triệu bao. Tuy dự báo này đã được đa số chấp nhận nhưng dù sao vẫn chỉ là ước báo.
Giám đốc điều hành một công ty xuất khẩu cà phê hàng đầu tại Brazil cho biết một người mua đã mua 100.000 bao cà phê khi tỷ giá đồng Reais giảm xuống mức thấp trong tuần trước.
Tuy nhiên, nhà môi giới cà phê Thiago Cazarini tại Công ty Thương mại Cazarini, cho biết các giao dịch đã hạ nhiệt trở lại sau khi ngân hàng trung ương Brazil đẩy mạnh các can thiệp thị trường tiền tệ để đưa tỷ giá đồng Reais về lại mức giá khoảng 3,70 BRL/USD.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) thể hiện sự thận trọng trong việc xem xét chấm dứt các gói QE do lo ngại lây lan các tranh chấp thương mại giữa các nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ khiến các nền kinh tế lớn quay lại mở rộng quy mô hỗ trợ lên mức bất thường như đã thực hiện từ khi khủng hoảng tài chính của thập kỷ trước.
Sự hồi phục của giá cà phê Robusta trên sàn London tỏ ra vững chắc hơn không chỉ là do đầu cơ thanh lý vị thế trước ngày đáo hạn hợp đồng quyền chọn tháng 7 sau khi đã bán ròng quá nhiều trước vụ mùa mới đang thu hoạch ở Brazil, Indonesia và sắp tới tại Việt Nam với nhiều ước báo sản lượng năm nay tăng, trong khi cần nhắc lại là cà phê Robusta vụ trước của Việt Nam hiện đang chi phối thị trường toàn cầu và nông dân vẫn tiếp tục kháng giá do giá kỳ hạn hiện đã giảm xuống quá thấp.
Thị trường cũng đã xuất hiện thông tin Việt Nam sẽ cạn kiệt cà phê mang sang vụ mới do đã tăng tốc xuất khẩu những tháng đầu năm.
Theo dữ liệu báo cáo của Hải Quan Việt Nam, xuất khẩu cà phê tháng 5 đạt 149.773 tấn, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng đầu niên vụ 2017/2018, Việt Nam đã xuất khẩu 1.221.294 tấn, tương đương 20.354.900 bao. Theo ước báo sản lượng vụ mùa vừa qua đạt 28,2 triệu bao, đồng nghĩa sản lượng chỉ còn xấp xỉ hơn 8 triệu bao. Vừa dành cho tiêu thụ nội địa khoảng hơn 4 triệu bao/năm, vừa dành cho xuất khẩu 4 tháng còn lại cuối niên vụ chỉ được khoảng 1 triệu bao/tháng, rõ ràng là một con số quá thấp.
Tuy nhiên, thị trường cũng không quá kỳ vọng do đầu cơ sẽ chốt lời ngắn hạn khi giá cả có phần cải thiện trên các thị trường kỳ hạn.