Với nguồn cung dồi dào từ các nước láng giềng, một số công ty cao su Campuchia cho rằng cam kết hạn chế xuất khẩu của 3 nước Thái Lan, Indonesia và Malaysia hồi tháng 12 không mấy tác dụng trong việc đẩy giá cao su tại quốc gia này.
Ảnh:The Financial Express
Tại cuộc họp Hội đồng Cao su Quốc tế Ba bên hồi tháng 12/2017, Thái Lan, Indonesia và Malaysia cam kết cắt giảm xuất khẩu 350.000 tấn cao su tự nhiên đến tháng 3/2018. Động thái này nhằm đẩy giá cao su trên thị trường quốc tế.
Horn Saphon, giám đốc thị trường và hợp tác quốc tế thuộc Tổng cục Cao su cho biết giá cao su vẫn không ổn định mặc cho nỗ lực các nước trong khu vực.
"Kế hoạch hạn chế xuất khẩu nhằm mục đích đẩy giá cao su lên. Tuy nhiên, cuối cùng thị trường mặt hàng này vẫn bất ổn".
Ông Saphon nói thêm cung-cầu không quyết định giá cao su hiện tại mà chắc chắn có những yếu tố khác tác động lên thị trường.
Lim Heng, phó chủ tịch tập đoàn xuất khẩu cao su An Mady Group, cho biết giá cao su thị trường quốc tế rất thấp, nông dân khó lòng trang trải cuộc sống. An Mady Group kiến nghị chính phủ miễn thuế xuất khẩu cao su để đối phó với tình hình khó khăn hiện tại.
"Dựa trên mức giá hiện tại, lợi nhuận các công ty thu về rất nhỏ. Các nước láng giềng như Thái Lan, Việt Nam được miễn thuế đồng thời chi phí nhân công cũng thấp hơn so với Campuchia", ông Heng cho hay.
Diện tích cao su của Campuchia đạt 436.340 ha trong đó 39% (tương đương 170.230 ha đang trong giai đoạn thu hoạch). Hiện Campuchia là nước sản xuất mủ cao su lớn thứ 16 thế giới.