Sáng nay (25/3) tại toạ đàm về tài chính tiêu dùng do Báo đầu tư và CTCP Truyền thông E.Life phối hợp tổ chức, bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong xu thế nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng cao, cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp của NHNN, tăng trưởng dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng trong 10 năm qua luôn cao hơn tăng trưởng dư nợ cho vay chung toàn nền kinh tế. Tăng trưởng bình quân của cho vay tiêu dùng giai đoạn 2010-2020 đạt 33,7%, trong khi tốc độ tăng dư nợ tín dụng chung toàn nền kinh tế đạt 17,3%.
Dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng đến cuối năm 2020 đạt 1,85 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 10,15% so với cuối năm 2019 và tăng hơn 10 lần dư nợ cuối năm 2010. Về tỷ trọng dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng cũng đã tăng từ 8,17%/dư nợ nền kinh tế năm 2010 lên trên 20%/dư nợ nền kinh tế năm 2020.
Đại diện NHNN cho biết, kết quả tăng trưởng dư nợ cho vay tiêu dùng cho thấy, hệ thống ngân hàng đã và đang tập trung phát triển hoạt động cho vay lĩnh vực này, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân. Việc mở rộng cho vay, đáp ứng nhu cầu vốn tiêu dùng cho người dân đã góp phần hạn chế người dân tiếp cận vốn từ những kênh không chính thức, giúp giảm thiểu các hệ lụy đảm bảo an ninh trật tự xã hội.
Cùng tại toạ đàm, chuyên gia tài chính ngân hàng - TS. Cấn Văn Lực cho rằng hệ thống pháp lý cho tài chính tiêu dùng của Việt Nam đã dần được hoàn thiện với những quy định ngày càng chi tiết. Nhờ đó, hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính được minh bạch hóa như phải thông tin chính xác cho khách hàng về lãi suất, cách tính lãi, hình thức trả nợ, đòi nợ, trả nợ trước hạn, đưa ra lộ trình giảm tỷ lệ dư nợ giải ngân trực tiếp cho khách hàng trong tổng dư nợ về mức 30% vào năm 2024,…
Vị chuyên gia này nhận định, quy mô thị trường này đã tăng trưởng rất nhanh trong 10 năm qua nhưng vẫn còn nhiều dư địa, tiềm năng phát triển. Ông Lực cho biết, tín dụng tiêu dùng đã tăng trưởng khoảng 20%/năm trong 5 năm qua. Tuy nhiên, nếu bóc tách phần tín dụng bất động sản nhà ở thì tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam mới chỉ khoảng 800 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,7% tổng dư nợ nền kinh tế thấp hơn nhiều so với các nước như Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc... với tỷ trọng tín dụng tiêu dùng (không bao gồm tín dụng BĐS nhà ở) chiếm khoảng 15-35%/tổng dư nợ.
Thị trường TTTD của Việt Nam có nhiều thuận lợi để phát triển trong thời gian tới khi triển vọng phục hồi, tăng trưởng kinh tế khả quan, tăng thu nhập của người dân (khoảng 6% hàng năm đến năm 2030). Văn hóa tiêu dùng, vay mượn của người dân đang thay đổi rõ nét, tầng lớp trung lưu nhiều hơn nên nhu cầu tiêu dùng, mua sắm gia tăng khiến nhu cầu tín dụng, tài chính tiêu dùng gia tăng.
Ngoài ra, quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ đang tạo ra nhiều cơ hội cho thị trường này phát triển theo hướng hiện đại, đa dạng hóa sản phẩm, tăng trải nghiệm và tiết giảm chi phí, tăng khả năng tiếp cận cho khách hàng.
Trên thực tế, cho vay tiêu dùng hiện nay đang chuyển dần từ các phương thức truyền thống sang tận dụng triệt để công nghệ, từ tìm kiếm khách hàng, phương thức tiếp thị, cho đến thẩm định trực tuyến qua mạng xã hội, chấm điểm khách hàng bằng các mô hình tận dụng dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo (AI), rồi giải ngân trực tuyến vào tài khoản, ví điện tử... Ví dụ, FE Credit đã hoàn thiện xây dựng hệ thống CNTT đáp ứng được việc cung ứng dịch vụ cho vay trực tuyến cho hơn 230.000 khoản vay, tương ứng trung bình 350 khoản vay/ngày thông qua ứng dụng $NAP…