Tiếp đà hưng phấn, thị trường tiếp tục có thêm một phiên hồi phục khởi sắc dù khởi đầu tương đối vất vả. Áp lực chốt lời sau phiên tăng mạnh hôm qua khiến một số cổ phiếu chìm trong sắc đỏ đầu phiên. Tuy nhiên, lực cầu sau đó đã nhanh chóng nhập cuộc để đưa thị trường trở lại mức cân bằng hơn trước khi bứt phá về cuối phiên.
VN-Index đóng cửa cao nhất phiên tại 1.050,99 điểm, ghi nhận mức tăng 16,18 điểm (+1,56%). Như vậy, thị trường đã chấm dứt tình trạng hồi không quá một phiên trong suốt nhịp giảm kéo dài từ đầu tháng 9. Lần gần nhất VN-Index có 2 phiên tăng điểm liên tiếp là vào phiên 9 và 12/9. Thời điểm đó, chỉ số tăng 1,15% trong phiên cuối tuần (9/9) và chỉ nhích nhẹ 0,07% vào phiên đầu tuần sau (12/9) trước khi trượt dài.
VN-Index lần đầu có 2 phiên tăng liên tiếp sau gần 1 tháng
Rất khó để dự báo chính xác xu hướng trong tương lai tuy nhiên 2 phiên tăng điểm liên tiếp với đà tăng lan tỏa rộng đã phần nào củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào việc thị trường đã tạo đáy ngắn hạn. Thêm nữa, nhiều yếu tố cho thấy ngưỡng hỗ trợ quanh 1.000 điểm có thể giúp thị trường tạm đứng vững trước những biến động khó lường sắp tới.
Theo đánh giá của VNDirect, đà giảm vừa qua đã có phần thái quá và chịu ảnh hưởng quá mức bởi tâm lý bi quan của nhà đầu tư. Về mặt định giá, P/E trailing của VN-Index hiện chỉ ở mức 10,2x lần, gần tương đương với đáy Covid cuối tháng 3/2020 và giai đoạn năm 2012. Cùng với đó, định giá của nhiều cổ phiếu doanh nghiệp lớn như Hòa Phát (HPG) hay nhiều ngân hàng đã về mức P/B xấp xỉ 1 lần, điều rất hiếm khi xảy ra, trừ những giai đoạn nền kinh tế đứng trước suy thoái hay khủng hoảng nghiêm trọng.
Tương tự, Yuanta cũng cho rằng những phiên sụt giảm mạnh đã khiến định giá của chứng khoán Việt Nam trôi về mức rất thấp. Cụ thể, mức P/E forward 2022 đạt 9,7x, tương đương mức thấp nhất trong tháng 3/2020, thời điểm TTCK giảm mạnh do ảnh hưởng từ bùng phát dịch Covid. Theo thống kê của Yuanta, trong lịch sử lạm phát thấp kể từ năm 2013 chỉ có duy nhất 3 lần mức P/E forward dưới mức 11.x. Điều này cho thấy rất hiếm khi TTCK có mức định giá thấp như hiện nay.
Bên cạnh đó, giao dịch khối ngoại tiếp tục là điểm sáng khi mua ròng 473 tỷ đồng trên HoSE phiên hôm nay qua đó nâng tổng giá trị mua ròng tính từ đầu tháng 10 lên hơn 1.600 tỷ đồng. Dòng vốn ngoại có dấu hiệu quay trở lại thị trường Việt Nam qua kênh ETF bất chấp xu hướng rút vốn đang diễn ra trên toàn cầu do động thái tăng tốc hút tiền của Fed, đang mang đến những tín hiệu tích cực bởi biến động của thị trường trong quá khứ thường có sự đồng pha nhất định với xu hướng của dòng vốn này.
Thực tế, triển vọng dài hạn của chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá hấp dẫn, đặc biệt trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. Dragon Capital dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 7,8% năm 2022, định giá thị trường hấp dẫn với P/E forward 2022 của VN-Index ở mức 10 lần với tăng trưởng EPS 17%. Lạc quan hơn, Pyn Elite Fund dự phóng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết có thể đạt 25% trong năm 2022 và nhấn mạnh chứng khoán Việt Nam đang ở mức định giá đặc biệt rẻ trong tương quan với triển vọng tăng trưởng thu nhập trong vài năm tới.
Mặt khác, thanh khoản vẫn là nút thắt khó giải quyết trong ngắn hạn do xu hướng tăng lãi suất. Giá trị khớp lệnh trên HoSE phiên 13/10 cũng vừa ghi nhận mức thấp nhất trong vòng 23 tháng kể từ ngày 17/11/2020. Tinh chung từ đầu tháng 10, giá trị khớp lệnh bình quân phiên trên HoSE chỉ chưa đến 10.000 tỷ đồng, giảm gần 16% so với tháng trước và thấp nhất kể từ đầu năm 2021.
Theo VCBS, mặt bằng lãi suất sẽ phải chịu áp lực điều chỉnh tăng, đặc biệt là lãi suất huy động. CTCK này dự báo cho đến cuối năm 2022, nhiều khả năng sẽ tăng lên mức tương đương cho đến vượt 50 điểm cơ bản so với giai đoạn cuối năm 2019 trước dịch Covid. Trong bối cảnh đó, dòng tiền trên thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục duy trì trạng thái yếu dưới áp lực mất giá của đồng VND cũng như việc mặt bằng chi phí vốn tăng lên làm suy giảm mức định giá của hầu hết các loại tài sản tài chính, đặc biệt là cổ phiếu.
VCBS cho rằng VN-Index sẽ dao động trong vùng 1.000 – 1.200 điểm trong quý 4. Vùng 950 - 1.000 điểm sẽ là ngưỡng hỗ trợ gần nhất của thị trường nhưng VCBS không kỳ vọng khả năng chỉ số rơi xuống dưới mức này. Mặt khác, VN-Index gần như không có khả năng quay lại được mức cao nhất đã đạt được vào tháng 4/2022. Chỉ số vẫn có thể ghi nhận một vài nhịp hồi phục nhỏ từ trạng thái quá bán nhưng các nhịp tăng tính từ đáy ngắn hạn sẽ khó vượt quá 100 điểm.