Giải mã cú bán tháo của thị trường Chứng khoán Mỹ
Có nhiều nhà phân tích đang cố giải thích cú bán tháo trên thị trường chứng khoán Mỹ và một trong những lập luận đáng chú ý là của Matt King, Citigroup. Theo ông King, hành vi của nhà đầu tư đã thay đổi đáng kể trong kỷ nguyên kiếm tiền dễ dàng, dẫn tới việc thị trường dễ bị bán tháo hơn như chúng ta đã thấy.
Bản chất của lập luận này dựa trên biến động giá và tâm lý nhà đầu tư. Về cơ bản, các nhà đầu tư sẽ theo đuổi những tài sản nhất định cho đến khi đạt được mong muốn hoặc giá của chúng trở nên không còn hấp dẫn. Tại thời điểm đó, sự điều chỉnh sẽ xảy ra và giá của cổ phiếu sẽ giảm.
Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi trong bối cảnh khủng hoảng tài chính, khi các nhà đầu tư biết rằng những doanh nghiệp tốt, về cơ bản, có thể được theo đuổi vô thời hạn. Trong một thế giới của lạm phát, cả về tài sản và giá hàng hóa tiêu dùng, việc đi theo dòng tiền trở thành cách dễ dàng và chắc chắn nhất cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, khi giá bị đội lên quá cao và không ai chịu trả mức giá cao hơn, nó sẽ rơi.
Gọi đó là "xu hướng theo đuổi ưu điểm", nó giải thích tại sao những thứ bị ảnh hưởng nhiều nhất trong giai đoạn này thường là những thứ mà hầu hết các nhà đầu tư đổ tiền vào.
Nói về cú trượt dài của Chứng khoán Mỹ, Tổng thống Trump nhấn mạnh: "Đó là cú điều chỉnh mà chúng ta đã chờ đợi trong một thời gian dài nhưng tôi thực sự không đồng ý với những gì FED đang làm. FED đang phạm sai lầm. Họ quá chặt chẽ. Tôi nghĩ FED thật là điên dồ".
Chỉ số sợ hãi lên rất cao
Ở thời điểm hiện tại, VIX, chỉ số giúp đo lòng tham và nỗi sợ của thị trường tài chính, đang ở mức rất cao. Chỉ số biến động CBOE, thường được gọi là VIX, nhảy vọt khoảng 44% lên đến 22,96, mức cao nhất kể từ đầu tháng tư vừa qua. Chứng khoán tương lai của Mỹ dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong ngày giao dịch 11/10.
Chỉ tính riêng trong ngày 10/10, S&P 500 giảm 3,3% xuống 2.785,68 điểm, đánh dấu ngày giảm thứ 5 liên tiếp. Đây cũng là chuỗi dài nhất của S&P 500 kể từ tháng 11/2016 và mức giảm cũng đang nằm ở dưới mức trung bình của 100 ngày qua. Cả Dow Jones và S&P 500 đều ghi nhận mức giảm lớn nhất kể từ tháng 2 vừa qua trong khi NASDAQ có ngày bán tháo tồi tệ nhất kể từ 24/6/2016.
Chứng khoán châu Á cũng đang lâm vào tình cảnh tương tự khi hàng loạt chỉ số giảm điểm nghiêm trọng trong vài giờ giao dịch đầu ngày. Tuy nhiên, các nhà phân tích đều nhận định chứng khoán châu Á sẽ không phải chịu cuộc "tắm máu" tồi tệ như chứng khoán Mỹ. Tuy nhiên, điều đó không thể ngăn sắc đỏ bao trùm thị trường châu Á.