Sau khi bứt phá vượt xa mốc 1.500 điểm trong những ngày đầu năm 2022, thị trường chứng khoán đã quay đầu điều chỉnh trước những lo ngại của giới đầu tư về việc FED sớm tăng lãi suất hay căng thẳng Nga – Ukraine. Kết thúc phiên giao dịch 11/3, chỉ số VN-Index dừng tại 1.466,5 điểm, giảm 2,1% so với đầu năm và giảm 4% so với mức đỉnh.
Diễn biến kém tích cực của thị trường từ đầu năm không chỉ khiến phần lớn nhà đầu tư cá nhân thua lỗ mà ngay cả các tổ chức chuyên nghiệp cũng gặp không ít khó khăn. Thống kê cho biết nhiều quỹ đầu tư lớn như Pyn Elite Fund, VEIL Dragon Capital, DC VFMVN30 ETF…đều ghi nhận hiệu suất đầu tư âm trong những tháng đầu năm, thậm chí, Passion Investment (PIF) còn ghi nhận hiệu suất đầu tư âm 10,52% (tính tới ngày 11/3).
Theo một số nguồn tin, Passion Investment đã đầu tư vào một số cổ phiếu bao gồm VHM, CTD và diễn biến kém tích cực của các cổ phiếu này đã ít nhiều ảnh hưởng tới hiệu suất chung danh mục.
Hiệu suất đầu tư Passion Investment
Nhắc tới Passion Investment, đây không còn là cái tên xa lạ với giới đầu tư. Thành lập từ năm 2015 bởi ông Lã Giang Trung, Passion Investment là công ty chuyên đầu tư cổ phiếu trên TTCK Việt Nam với mô hình tương tự các Hedge Fund trên thế giới. Trong khoảng thời gian hoạt động tới nay, Passion Investment đã gặt hái được nhiều thành công, dù có thời điểm gặp không ít khó khăn.
Trong năm 2016, Passion Investment đã đem lại tỷ suất lợi nhuận bình quân hơn 95% cho các khách hàng của mình và đến năm 2017, mức sinh lợi tiếp tục duy trì ấn tượng với con số 50%. Chiến thuật của Passion Investment thời điểm đó gần như là "tất tay" vào một vài cổ phiếu và kết quả đem lại là khá tích cực. Với mức sinh lợi vượt trội như vậy, Passion Investment được coi là "ngôi sao" trong làng chứng khoán. Một số khoản đầu tư thành công của Passion Investment trong giai đoạn đó có thể kể tới MWG, PNJ…
Tuy vậy, sang năm 2018, chiến lược "all in" vào số ít cổ phiếu đã khiến Passion Investment gặp nhiều khó khăn. Khi đó, Passion Investment gần như đầu tư toàn bộ danh mục vào VPB và việc sụt giảm mạnh của cổ phiếu này trong năm đã khiến hiệu suất quỹ giảm mạnh. Kết thúc năm 2018, hiệu suất đầu tư của Passion Investment âm 16,23% và đây cũng là năm duy nhất Passion Investment thua lỗ từ khi hoạt động tới nay.
Sang năm 2019, Passion Investment đã trở lại với hiệu suất danh mục tăng trưởng 36,49%, sang năm 2020 tiếp tục ghi nhận những con số tích cực với hiệu suất tăng trưởng 88,53%. Thậm chí năm 2021, mức tăng trưởng của Passion Investment còn ấn tượng hơn với con số 101,81%.
Trong một chia sẻ gần đây, ông Lã Giang Trung - CEO Passion Investment cho biết phương pháp đầu tư của Passion Investment chia làm 2 giai đoạn trước và sau năm 2018. Trước năm 2018, Passion Investment tập trung nhiều vào nghiên cứu, lựa chọn cổ phiếu và bỏ qua yếu tố thị trường. Giai đoạn đó, tỷ suất lợi nhuận cao của Passion Investment là nhờ lựa chọn cổ phiếu tốt, upside lớn và không đa dạng hoá nhiều.
Tuy vậy, phương pháp "all in" này cũng chứa đựng không ít rủi ro và năm 2018 là bước ngoặt lớn với Passion Investment. Ông Lã Giang Trung cho biết trong năm 2018, cá nhân vị CEO này và Passion Investment đã phải bù lỗ cho khách hàng khoảng 4-5 triệu USD (hơn 100 tỷ đồng) thời điểm đó.
Sau những khó khăn năm 2018, Passion Investment đã rút ra kinh nghiệm là yếu tố thị trường tác động rất lớn. Passion Investment đã đa dạng danh mục hơn, "bet" bé hơn, tập trung quản trị rủi ro nhiều hơn và dành nguồn lực cho việc nghiên cứu thị trường. Điều này đã giúp công ty thu được hiệu suất đầu tư khá tốt kể từ sau cú vấp năm 2018.