Sau mùa đại hội cổ đông và công bố BCTC quý I/2018, thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở giai đoạn vùng trũng thông tin. Ở ngắn hạn một số sự kiện được cho là có ảnh hưởng đến thị trường chung đó là việc FED công bố mức lãi suất mới và ra thông báo về các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định về chính sách tiền tệ. Bên cạnh đó, giải bóng đá lớn nhất hành tinh (World Cup) sẽ chính thức diễn ra vào ngày 14/6/2018.
Dù World Cup và chứng khoán nhìn qua có thể không thấy sự liên quan với nhau nhưng theo một số thống kê hai lĩnh vực này lại có một số mối liên hệ thú vị.
Vào năm 2014, Dario Perkins - nhà kinh tế học tại Lombard Street Research cho biết trên CNBC, World Cup là khoảng thời gian của những lo âu và mất mát. Thực tế đã chứng minh quan điểm trên, kỳ World Cup đầu tiên vào năm 1930 lại chính là khoảng thời gian diễn ra cuộc đại suy thoái từ 1929 đến 1933. Các kỳ World Cup năm 1990, 1994, 1998, 2006 hay 2010 đều đánh dấu một số sự kiện 'tồi tệ' của kinh tế cũng như thị trường chứng khoán thế giới.
Quay trở lại với thị trường chứng khoán Việt Nam, kể từ ngày đầu thành lập, dù đã trải qua 4 kỳ World Cup nhưng phần lớn thị trường đều đi theo chiều hướng không mấy tích cực. Cụ thể, đối với VN-Index, trong kỳ World Cup năm 2006, chỉ số này đã giảm gần 8% (-43,81 điểm), từ 548 điểm xuống chỉ còn 505 điểm. Trong khi đó, hai kỳ World Cup năm 2010 và 2002 cũng đánh dấu mức tăng trưởng âm của VN-Index. Duy nhất chỉ có kỳ World Cup gần đây nhất là 2014, chỉ số này mới tăng điểm nhưng cũng chỉ là 2,7%.
Tương tự như VN-Index, HNX-Index cũng đã ghi nhận mức giảm đến 11,22% ngay trong kỳ World Cup đầu tiên từ khi chỉ số này đi vào hoạt động. Kỳ đó, HNX-Index đã giảm từ 208 điểm xuống chỉ còn 184,6 điểm. Tuy vậy, ở hai kỳ World Cup sau đó, chỉ số này đã không còn đi theo chiều hướng tiêu cực như năm 2006.
Như vậy, thời điểm World Cup diễn ra thường trùng hợp với khoảng thời gian không mấy tích cực đối với thị trường chứng khoán. Nhiều nhà đầu tư đang tỏ ra lo ngại về những điều tồi tệ có thể lặp lại đối với thị trường chứng khoán Việt Nam ở trong kỳ World Cup 2018 này. Do ở thời điểm hiện tại, tâm ký nhà đầu tư đang ở trạng thái rất nhạy cảm. Thị trường vừa trải qua đợt lao dốc rất mạnh từ 9/4 đến 28/5/2018. Bên cạnh đó, khối nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng bán ròng trở lại, tính từ thời điểm thị trường tạo đáy sau đợt lao dốc nói trên, khối ngoại đã bán ròng 1.341 tỷ đồng ở hai sàn niêm yết.
Trước đó, Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC) đã đưa ra hai kịch bản cho thị trường tháng 6/2018. Trường hợp tích cực, BSC cho rằng khối ngoại ngừng bán và quay lại mua ròng do hiệu ứng ngược FED tăng lãi suất. Thị trường phân hóa, các cổ phiếu lớn vẫn thay nhau làm trụ giữ thị trường và dòng tiền chờ công bố KQKD quý II. Thanh khoản ở mức trung bình, chỉ số dần ổn định tạo vùng tích lũy trên 1.000 điểm.
Trường hợp tiêu cực, VN-Index tiếp tục vận động theo mô hình vai đầu vai và giảm dưới 900 điểm. Biến động tiêu cực từ thị trường thế giới, hoạt động cắt giảm margin và khối ngoại bán ra là yếu tố ảnh hưởng đến tâm lý và dòng tiền vào thị trường.
Như vậy, với những gì đang diễn ra gần đây thì có vẻ như nhà đầu tư đang lo ngại kịch bản thứ hai sẽ xảy ra.