Thị trường chứng khoán vừa trải qua một phiên giao dịch đầy rung lắc. VN-Index có thời điểm mất gần 18 điểm trước khi cầu bắt đáy nhập cuộc mạnh mẽ vào cuối phiên. Chỉ số này đóng cửa giảm nhẹ hơn 4 điểm trong khi VN30 thậm chí còn đảo chiều tăng hơn 3 điểm.
Trong bối cảnh đó, hàng loạt cổ phiếu cũng “đảo như rang lạc” đặc biệt là các nhóm chứng khoán, thép. Các cổ phiếu như VND, SSI, VCI, MBS, HSG, NKG,... đều có thời điểm chạm sàn trước khi thu hẹp đà giảm về cuối phiên. Dù vậy, sắc đỏ vẫn bao trùm lên hầu hết các cổ phiếu của 2 nhóm ngành này.
Thậm chí, một số cái tên trong nhóm chứng khoán như FTS, VIX vẫn giảm hết biên độ. Đây đã là phiên giảm sàn thứ 2 liên tiếp của bộ đôi này. Cùng chung cảnh ngộ nhưng 2 cổ phiếu này lại đón nhận những thông tin trái ngược. Theo đó, nhóm cổ đông liên quan đến ông Nguyễn Văn Tuấn vừa bán thành công hơn 23% cổ phần của Chứng khoán VIX chỉ trong ít ngày. Chiều ngược cổ đông lớn nhất của Chứng khoán FPTS lại liên tục có động thái đăng ký mua gom để tăng sở hữu.
Trên thực tế, áp lực chốt lời sau nhịp hồi mạnh từ đáy là điều khó tránh khỏi, đặc biệt với các cổ phiếu đã tăng rất mạnh trong thời gian ngắn. Mặc dù điều chỉnh giảm trong vài phiên vừa qua, hầu hết các các cổ phiếu như VND, SSI, VCI, MBS, SHS, HPG, HSG, NKG,... vẫn còn cao hơn khoảng 45-60% so với thời điểm cách đây hơn một tháng.
Không được “may mắn” như 2 nhóm chứng khoán và thép, một loạt cổ phiếu bất động sản vẫn giảm hết biến độ dù vẫn có dòng tiền bắt đáy. Đây đã là phiên thứ 2 liên tiếp nằm sàn của những cái tên như NVL, GEX, DIG, L14,... thậm chí HPX còn trắng sàn 3 phiên liên tiếp. Có thể thấy áp lực bán vẫn còn rất mạnh trên nhóm này dù thị giá đều đã chiết khấu sâu từ đỉnh.
Đáng chú ý, trong nhịp hồi mạnh của thị trường chung, nhiều cổ phiếu bất động sản còn chưa kịp lấy lại được bao nhiêu đã tiếp tục lao dốc mạnh. NVL, HPX đều đã thủng đáy và rơi xuống mức thấp nhất kể từ khi niêm yết trong khi PDR cũng đang trôi về vùng đáy 4 năm. Hàng nghìn tỷ đồng đổ vào giải cứu có vẻ chỉ làm giao dịch thêm sôi động chứ chưa đủ để kéo các cổ phiếu này thoát khỏi xu hướng dò đáy.
Khó khăn vẫn còn phía trước
Mặc dù một số tín hiệu tích cực đã bắt đầu xuất hiện tuy nhiên cả 3 nhóm cổ phiếu bất động sản, chứng khoán, thép đều đang còn những thách thức phải đối mặt phía trước. Điển hình bất động sản, dự thảo sửa đổi Nghị định 65 mà Bộ Tài chính trình Chính phủ mới đây chỉ mang lại hiệu ứng tức thời và giảm áp lực về mặt thanh khoản trong ngắn hạn. Về dài hạn, một cuộc thanh lọc về sức khỏe các doanh nghiệp bất động sản là điều không thể tránh khỏi.
Trong khi đó, giao dịch trên thị trường được dự báo sẽ tiếp tục ảm đạm trong năm 2023 do mặt bằng lãi suất ở mức cao sẽ ảnh hưởng lớn đến các nhóm cổ phiếu “ngốn” thanh khoản như chứng khoán. Thêm nữa, thanh khoản hạn chế còn ảnh hưởng trực tiếp đến các mảng hoạt động chính như môi giới, cho vay của các công ty chứng khoán.
Theo VCBS, thanh khoản bình quân trong năm 2023 sẽ tương đương với mức bình quân trong những tháng cuối năm 2022 và đạt bình quân khoảng 600 - 650 triệu cổ phiếu mỗi phiên trên cả 3 sàn, tương ứng giảm hơn 20-25%. Giá trị giao dịch trung bình năm 2023 cũng được dự báo giảm 35%-45% so với năm 2022, tương ứng với giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên dự báo đạt khoảng 12.000 – 14.000 tỷ đồng một phiên trên cả ba sàn.
Với ngành thép, VDSC cho rằng bức tranh lợi nhuận của các doanh nghiệp vẫn chưa khá hơn trong ngắn hạn. Giá than luyện cốc, quặng sắt và thép phế sẽ có một năm “êm dịu” hơn khi nhu cầu thép thế giới được dự báo trầm lắng trong năm 2023. Giá các nguyên liệu sản xuất thép cũng được dự báo dao động trong biên độ hẹp quanh mặt bằng giá cuối năm nay do nhu cầu dự trữ của các nhà máy thượng nguồn trên toàn cầu thấp và chỉ nhỉnh hơn vào cuối năm.
Tương tự, VNDirect cũng đánh giá khá thận trọng về triển vọng ngắn hạn của các doanh nghiệp thép. Bên cạnh sự hạ nhiệt của thị trường BĐS nhà ở tại Việt Nam, ngành thép trong nước còn chịu tác động từ những khó khăn như giá nguyên liệu đầu vào cao (bao gồm than cốc và thép phế) và nhu cầu thép toàn cầu sụt giảm, gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu.