Sau phiên tăng lịch sử hôm qua, thị trường chứng khoán lại có thêm phiên tăng điểm nữa nhờ sự góp sức của các cổ phiếu vốn hóa lớn. Đã nên bắt đáy thị trường chứng khoán chưa khi mà cả nước đang gồng mình chống Virus Covid-19, hàng loạt cổ phiếu đã về mức giá thấp nhất từ khi niêm yết và vốn hóa thị trường chứng khoán đã mất đi hàng triệu tỷ đồng chỉ trong một thời gian ngắn là điều rất nhiều nhà đầu tư băn khoăn.
Chúng tôi không thể khuyến nghị nhà đầu tư nên mua hay bán vào giai đoạn này bởi lẽ, thị trường chứng khoán đang có quá nhiều ẩn số mà chúng ta không thể giải đáp được. Chỉ có thời gian trôi đến và chúng ta biết điều gì có thể xảy ra sau những dòng thông tin đang liên tục diễn biến nhanh. Bài viết này chúng tôi chỉ xin khuyên nhà đầu tư những điều cơ bản để có thể giảm rủi ro cho tài khoản của mình.
Thứ nhất: Không nên hoặc chỉ sử dụng rất ít đòn bẩy tài chính, tỷ lệ tiền mặt cao sẽ giúp bạn dễ dàng xoay trở nếu rủi ro xảy ra.
Sai lầm nhiều nhà đầu tư mắc phải là khi thị trường giảm sâu, giảm mạnh thì họ sợ sệt, bán tống bán tháo và ngược lại, khi thị trường vừa phát đi tín hiệu hồi phục thì họ dồn hết lực để mua. Họ mua hết tiền trong tài khoản và sử dụng tối đa margin mà công ty chứng khoán cấp để hy vọng cú hồi của thị trường sẽ giúp họ lấy lại nhanh được những gì vừa mất trong sai lầm trước.
Nhưng, họ không hề biết rằng, họ tiếp tục sai lần 2. Thị trường chứng khoán luôn luôn tồn tại chữ bull-trap. Nếu họ không dính bull-trap thì họ cũng đẩy mình vào rủi ro thị trường. Với thị trường đang tồn tại quá nhiều ẩn số như giai đoạn hiện tại thì bất cứ lúc nào cũng có phiên tăng/phiên giảm theo từng nhịp đập của thông tin. Việc "tất tay" một lần sẽ khiến nhà đầu tư không có cơ hội sửa sai nếu diễn biến thị trường không giống như họ lên kịch bản. Và, rủi ro xảy ra, họ lại quay về vòng xoáy sai lầm số 1-bán tháo cổ phiếu cùng sự hoảng loạn của đám đông.
Để tránh các sai lầm trên, việc sử dụng ít đòn bẩy tài chính và giữ tỷ lệ tiền mặt cao là cách để nhà đầu tư phòng tránh rủi ro. Nếu không may thị trường giảm sâu hơn và bạn muốn mua trung bình giá thì còn tiền, bạn còn cơ hội. Hoặc, nếu không may thị trường giảm sâu hơn thì với tỷ lệ cổ phiếu vừa phải trong danh mục, bạn vẫn chưa bị thua lỗ nhiều và có thể bám trụ tiếp với thị trường.
Thứ hai: Lên phương án các kịch bản, đặc biệt là kịch bản trái chiều với dự tính của bản thân để kịp thời hành động
Thị trường chứng khoán diễn biến rất nhanh, thậm chí tính theo từng phút, từng giây. Không ít thời điểm nhà đầu tư nhìn cảnh tranh bán tháo trên sàn và cũng vô thức chạy theo...đặt lệnh bán. Cũng không ít lần thấy đám đông tranh nhau mua thì cũng vội vàng mua theo. Điều đáng nói hơn là những hành động theo cảm tính đó lại diễn ra trong giây lát và nếu mua thường là "tất tay" vì sợ chậm tay sẽ không mua được giá đó và lòng tham sẽ khiến bạn nghĩ rằng giờ là quá rẻ. Nếu bán, bạn cũng thường bán tất với nỗi lo tất cả chạy loạn thế ắt có lý do và bạn cần chạy nhanh cho kịp.
Thực tế, như chúng tôi nhiều lần đã nói, thị trường chứng khoán bây giờ đang là cuộc chiến của bò và gấu. Có lúc, gấu thắng, có lúc, bò sẽ gượng dậy. Tức, sự tăng, giảm của thị trường sẽ liên tục luân phiên cùng với dòng tin tức đang trôi rất nhanh. Vì thế, chuẩn bị kịch bản-đặc biệt là các kịch bản trái chiều với dự tính của bạn-là điều cần thiết để bảo vệ bạn trước rủi ro.
Thứ ba: Thường xuyên phân tích các yếu tố phát sinh, lựa chọn danh mục
Sự phân hóa của thị trường luôn luôn diễn ra và phần thắng sẽ thường thuộc về những người tư duy hành động đúng. Sẽ có những ngành nghề bị bất lợi hơn và có ngành nghề được lợi hơn khi các sự kiện xảy ra.
Phân tích kỹ doanh nghiệp, phân tích kỹ các yếu tố ảnh hưởng, phân tích thời sự, diễn biến...bên cạnh phân tích thị trường chung sẽ giúp bạn lựa chọn danh mục phù hợp hơn là việc "tung xu, chọn bừa". Việc chọn bừa sẽ chỉ giúp bạn kiếm lời (nếu có) theo cách nước nổi thì thuyền nổi còn việc chọn đúng sẽ giúp bạn đạt lợi nhuận cao hơn khi rủi ro ít hơn.