Số liệu thống kê từ HOSE và HNX cho thấy, tính đến hết ngày 31/12/2021, số cổ phiếu lưu hành của 27 ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UPCoM đạt hơn 49 tỷ đơn vị, chiếm hơn 1/4 tổng lượng cổ phiếu lưu hành toàn thị trường.
Trong năm 2021, các ngân hàng đã đưa thêm vào thị trường hơn 12 tỷ cổ phiếu thông qua việc niêm yết mới, đăng ký giao dịch trên UPCoM và phát hành thêm. Như vậy, so với cuối năm 2020, lượng cổ phiếu ngân hàng lưu hành hiện tại đã tăng thêm gần 33%.
Một số đợt phát hành cổ phiếu lớn có thể kể đến như VPBank phát hành 1,97 tỷ cổ phần trả cổ tức và thưởng; VietinBank phát hành 1,1 tỷ cổ phần để trả cổ tức còn lại của các năm 2017, 2018 và 2019 với tổng tỷ lệ 29,07%; MB phát hành gần 980 triệu cp để trả cổ tức theo tỷ lệ 35%; ACB phát hành 540 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 25%;...
Trong những ngày cuối năm, BIDV đã kịp đưa thêm gần 1,04 tỷ cổ phiếu vào lưu hành thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu; SHB cũng tăng lượng cổ phiếu trên thị trường thêm 539,2 triệu đơn vị sau khi chào bán thành công cho các cổ đông hiện hữu.
Năm 2021, thị trường còn ghi nhận thêm một lương lớn cổ phiếu mới thông qua hoạt động niêm yết và đăng ký giao dịch trên UPCoM. Theo đó, Ngân hàng Phương Đông (Mã: OCB) đưa gần 1,1 tỷ cổ phần lên sàn HOSE, Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank - Mã: SSB) niêm yết hơn 1,2 tỷ cổ phần tại HOSE, và Ngân hàng Việt Á (Mã: VAB) đăng ký giao dịch gần 445 triệu cổ phần ở thị trường UPCoM.
Nguồn: Quang Hưng tổng hợp
Hiện, BIDV đang có số cổ phần lưu hành nhiều nhất ngành ngân hàng với 5,059 tỷ đơn vị. Đồng thời, đây cũng là doanh nghiệp niêm yết có vốn điều lệ lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam với gần 58.059 tỷ đồng.
Xếp ngay sau là VietinBank, VPBank và MB với số cổ phiếu lưu hành lần lượt đạt 4,806 tỷ đơn vị, 4,445 tỷ đơn vị và 3,778 tỷ đơn vị.
Ở phía ngược lại, PG Bank là ngân hàng có số cổ phiếu lưu hành trên thị trường ít nhất với vỏn vẹn 300 triệu đơn vị, tương ứng vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Chỉ nhỉnh hơn PG Bank thì Saigonbank, Kienlongbank và Viet Capital Bank là những ngân hàng có số lượng cổ phiếu lưu hành dưới 400 triệu đơn vị.
Trong năm 2021, có 7 nhà băng không đưa thêm cổ phiếu vào lưu hành là Vietcombank, Sacombank, Eximbank, ABBank, NCB, Saigonbank và PG Bank.
Trong đó, Vietcombank đã chốt danh sách cổ đông để phát hành hơn 1,02 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức. Dự kiến, số cổ phiếu này sẽ sớm về tài khoản nhà đầu tư trong đầu năm 2022.
Tương tự, ABBank đã chào bán thành công hơn 114 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, số cổ phiếu mới vẫn chưa được đưa vào lưu hành.
NCB cũng đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ thêm tối đa 1.500 tỷ đồng, thông qua chào bán 150 triệu cổ phiếu ra công chúng. Mặc dù vậy, đến cuối năm 2021, việc tăng vốn vẫn chưa được thực hiện.
Sacombank, Eximbank, Saigonbank và PG Bank là những nhà băng không có kế hoạch tăng vốn trong năm 2021.
Trong đó Sacombank đã không chia cổ tức trong suốt 6 năm qua do phải tập trung mọi nguồn lực xử lý nợ xấu theo đề án tái cơ cấu giai đoạn 2015 – 2025. Tại kỳ họp đại hội năm 2021, Sacombank kiến nghị NHNN để sử dụng toàn bộ phần lợi nhuận chưa phân phối hơn 6.000 tỷ đồng để chia cổ tức, tăng vốn điều lệ, đáp ứng kỳ vọng của cổ đông nhưng đã không được chấp thuận.
Eximbank cũng không tăng vốn điều lệ trong suốt nhiều năm qua khi chưa thể tổ chức thành công đại hội cổ đông do sự bất đồng giữa các nhóm cổ đông.
Trong cuối năm nay và đầu năm sau, dự kiến có thêm hàng tỷ cổ phiếu được các ngân hàng ''bơm'' vào thị trường thông qua chia cổ tức, chào bán cho cổ đông hiện hữu, phát hành riêng lẻ và ESOP.
Sau khi phát hành gần 1,1 tỷ cổ phiếu để chi trả cổ tức, VietinBank vẫn còn kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2020. Theo đó, VietinBank sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 5%, đồng thời chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 12,6% hoặc 17,7%.
Không kém cạnh, cả BIDV và Vietcombank cũng có kế hoạch phát hành riêng lẻ hàng trăm triệu cổ phiếu sau khi hoàn thành chi trả cổ tức.
Trong khi đó VPBank đã khóa "room" ngoại để chuẩn bị chào bán 15% cổ phần cho cổ đông chiến lược nước ngoài. OCB cũng dự kiến chào bán riêng lẻ 70 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.