Đến thời điểm hiện tại, dường như chưa có thông tin, sự kiện đủ sức nặng để chặn đà rơi của chỉ số VN-Index. Mở đầu phiên giao dịch sáng 16/11, VN-Index tiếp tục giảm hơn 30 điểm, tương ứng với hơn 3% xuống 880 điểm. Trước đó, phiên 15/11, VN-Index giảm 3.1% và đưa chứng khoán Việt Nam trở thành thị trường giảm điểm mạnh nhất châu Á. Bối cảnh hiện tại của thị trường hoàn toàn khác biệt so với tất cả các thị trường hiện tại bởi phần lớn các thị trường như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… đều đã hồi phục tương đối tốt thời gian gần đây. Câu chuyện không nằm ở việc lạm phát, tăng lãi suất… mà nằm ở những biến động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và những vụ án liên quan đến sai phạm của các doanh nghiệp.
Như vậy, tính từ đầu tháng 11 đến 15/11, VN-Index đã mất thêm 116 điểm, tương ứng mức giảm 11,3%. Con số này đã xấp xỉ mức giảm của cả tháng 9 – giai đoạn chỉ số giảm kỷ lục trong vòng 31 tháng kể từ đáy Covid. Với nhịp giảm mạnh này, vốn hoá thị trường đã "bốc hơi" hơn 463.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 19,6 tỷ USD. Tính chung cả 3 sàn, chứng khoán Việt Nam đã để mất hơn nửa triệu tỷ đồng vốn hóa chỉ sau nửa tháng.
Chứng khoán Việt Nam thậm chí còn xác lập một kỷ lục buồn khi đứng đầu tất cả các bảng xếp hạng chỉ số giảm mạnh trên thế giới (tính đến hết 15/11) gồm 1 ngày, 1 tuần, 1 tháng, 1 quý, 6 tháng, 1 năm, từ đầu năm 2022 và từ đỉnh.
Thị trường chứng khoán Việt Nam lập kỷ lục "đứng đầu" mọi bảng xếp hạng chỉ số giảm mạnh nhất thế giới
Trong khi thị trường giảm điểm mạnh, lực cầu bắt đáy lại rất dè dặt khi giá trị khớp lệnh bình quân phiên trên HoSE chưa đến 8.700 tỷ đồng. Trong khi giai đoạn thị trường giảm mạnh với lý do ảnh hưởng bởi dịch Covid, thị trường từng ghi nhận nhiều phiên giao dịch tỷ USD.
Lực cầu bắt đáy yếu ớt trong bối cảnh nhiều tài khoản của các ông chủ doanh nghiệp bất động sản cũng như nhà đầu tư cá nhân bị call margin khiến nhiều mã cổ phiếu giảm sàn trắng bên mua, tình trạng bán tháo không chỉ ở nhóm cổ phiếu bất động sản mà lan sang nhiều nhóm ngành dù được đánh giá là nhóm ngành "trú bão", là những doanh nghiệp nắm giữ tiền mặt lớn, kết quả kinh doanh tăng trưởng ổn định...
Những nhận định về thị trường chứng khoán cả trong ngắn hạn, dài hạn được đưa ra bởi các công ty chứng khoán và các chuyên gia gần như không dự báo được hết khó khăn mà thị trường đang trải qua. Theo dữ liệu từ Bloomberg, P/E trailing của VN-Index hiện chỉ còn 9,4x, thấp hơn thời điểm đáy Covid vào cuối tháng 3/2020 và tương đương với vùng đáy trong giai đoạn khủng hoảng 2011-2012.
Mặc dù P/E là một dữ liệu có thể tham khảo để tham gia thị trường, bên cạnh đó P/B của nhiều doanh nghiệp cũng đã về đến mức thấp chưa từng có nhưng việc tham gia vào thị trường thời điểm này cũng quá rủi ro đối với nhà đầu tư.
Tại Talkshow Phố Tài Chính trên VTV8 mới đây, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Maybank Investment Bank cho biết, xu hướng của thị trường trong ngắn hạn, thậm chí trong trung hạn vẫn còn tương tương đối xấu.
"Mặc dù nền kinh tế vẫn tốt nhưng lưu ý chúng ta vẫn bị tác động nhiều bởi những yếu tố từ nước ngoài và ở trong nước; quan trọng hơn nữa là dòng tiền nên đối với những nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền lớn thì nên tiếp tục đợi, nắm giữ tiền mặt, tiếp tục chờ đợi những cơ hội sau Tết. Đối với nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm vẫn có thể tham gia theo những hình thức sóng hồi, tuy nhiên chỉ dành cho những nhà đầu tư có thực sự nhiều kinh nghiệm đầu tư ngắn hạn và họ tuyệt đối là không sử dụng đòn bẩy ở trong giai đoạn này", ông Khánh đưa ra lời khuyên.
Chứng khoán ACBS mới đây cũng cho biết, mặc dù dự đoán đáy của thị trường quá khó trong thời điểm này, nhưng ACBS cho rằng mức định giá thấp so với lịch sử có thể đem lại lợi suất hấp dẫn cho nhà đầu tư dài hạn.
"Cùng với P/E kỳ vọng ở mức 9,8 lần, ACBS đánh giá chỉ số VN-Index vẫn duy trì được sức hút lớn hơn đối với nhà đầu tư dài hạn so với các thị trường ngang hàng. Trong ngắn hạn, nhóm phân tích cho rằng thị trường sẽ tiếp tục biến động do thiếu chất xúc tác rõ ràng để kéo tâm lý nhà đầu tư thoát khỏi trạng thái chán nản hiện tại", báo cáo ACBS nêu.