Kết thúc tháng 6/2018, chỉ số VN-Index tiếp tục sụt giảm, đóng cửa ở mức 960,78 điểm. Tuy mức giảm chỉ hơn 1% so với cuối tháng 5 nhưng chỉ số biến động ở biên độ mạnh với độ lệch ở 2 thời điểm đỉnh/đáy của tháng lên tới 100 điểm. Biên độ dao động mạnh của chỉ số cùng với xu hướng chung vẫn là đi xuống đã thúc đẩy nhà đầu tư giao dịch nhiều hơn trên thị trường phái sinh để tìm kiếm lợi nhuận.
Trong tháng 6, tổng khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch danh nghĩa của thị trường chứng khoán phái sinh tăng mạnh, đạt 1.983.614 hợp đồng và 193,3 nghìn tỷ đồng, tương ứng tăng 21% và 19% so với tháng 5. Khối lượng giao dịch bình quân đạt 74.579 hợp đồng/phiên, giá trị giao dịch bình quân đạt 7.387,7 tỷ đồng/phiên, với mức tăng lần lượt là 151,46% và 126,82% so với tháng trước. So với tháng đầu năm thì khối lượng và giá trị giao dịch trên thị trường phái sinh đã tăng tới 385% và 345%.
Khối lượng giao dịch cao nhất vào ngày 28/06 với 141.765 hợp đồng và giá trị giao dịch danh nghĩa đạt hơn 13.366 tỷ đồng, tương ứng tăng 24% và 28% lần so với kỷ lục lập trong tháng 5. Khối lượng mở OI toàn thị trường duy trì ổn định trong suốt tháng và đạt 11.812 hợp đồng tại ngày 29/6, tăng 7,3% so với tháng 5.
Sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) trên thị trường phái sinh vẫn ở mức thấp, tuy nhiên những con số về khối lượng và giá trị giao dịch của khối ngoại cho thấy rằng thị trường phái sinh nhận ngày càng nhận được sự chú ý của họ nhiều hơn.
Trong tháng 6, khối lượng và giá trị khớp lệnh danh nghĩa của NĐTNN trên thị trường phái sinh đạt 4.548 hợp đồng và 441,9 tỷ đồng, tăng lần lượt 92% và 68% so với tháng trước đó. Tổng kết nửa đầu năm 2018, chỉ riêng khối lượng và giá trị giao dịch của khối ngoại trong tháng 6 chiếm 1/3 tổng khối lượng và giá trị giao dịch của 6 tháng cộng lại.
Tự tăng trưởng về giá trị giao dịch trên thị trường phái sinh cũng là động lực dành cho các công ty chứng khoán để hoàn thiện, nâng cao cơ sở kỹ thuật, hệ thống công nghệ thông tin cũng như năng lực quản lý của ban lãnh đạo để có thể trở thành thành viên giao dịch phái sinh. Nếu như trong Q1, Sở GDCK Hà Nội mới chỉ có 7 thành viên phái sinh thì trong Q2 đã có thêm 2 thành viên với là CTCP CK Ngân hàng ngoại thương- VCBS và CTCP CK KIS Việt Nam -KIS. ACBS là công ty mới nhất nộp hồ sơ đăng ký làm thành viên giao dịch phái sinh của Sở.