Ngày 29/3, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC - để điều tra tội thao túng thị trường chứng khoán. Cơ quan điều tra đã áp dụng biện pháp bắt bị can để tạm giam, đồng thời ra lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc của chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết để phục vụ điều tra.
Sau khi thông tin này được công bố, không ít nhà đầu tư tỏ ra lo lắng về ảnh hưởng của vụ việc tới thị trường chứng khoán do ông Quyết và Tập đoàn FLC có quan hệ sâu rộng với nhiều doanh nghiệp và ngân hàng trên sàn.
Trao đổi với truyền thông, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khuyến nghị: "Nhà đầu tư nên bình tĩnh và không nên hoảng loạn. Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá tích cực từ các yếu tố nền tảng kinh tế vĩ mô và yếu tố nội tại tốt. Hôm nay, Tổng cục Thông kê đã công bố chính thức, các số liệu về kinh tế vĩ mô vẫn rất tích cực và Việt Nam vẫn được các định chế tài chính quốc tế lớn đánh giá rất cao về tăng trưởng kinh tế năm nay. Mặt bằng lãi suất chịu sức ép tăng nhưng cơ bản Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Về nội tại thị trường, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp vẫn tích cực, bên cạnh đó là các yếu tố hỗ trợ khác như dòng tiền tham gia, kỳ vọng nâng hạng, công tác cổ phần hóa, thoái vốn được đẩy mạnh,…".
Trước đó, thị trường chứng khoán đã chứng kiến những diễn biến đáng chú ý khi một số lãnh đạo hoặc cựu lãnh đạo cấp cao ngân hàng bị bắt như Bầu Kiên - Thành viên Hội đồng sáng lập ngân hàng ACB (bị bắt vào tối 20/8/2012), ông Hà Văn Thắm - nguyên Chủ tịch Tập đoàn Đại Dương và Oceanbank (bị bắt vào tối ngày 24/10/2014), ông Trần Phương Bình - nguyên Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á (bị bắt ngày 12/12/2016) và ông Trần Bắc Hà – nguyên Chủ tịch BIDV (bị bắt vào chiều tối ngày 29/11/2018).
Tuy nhiên thị trường chứng khoán chỉ biến động mạnh sau khi Bầu Kiên và ông Hà Văn Thắm bị bắt nhưng lại khá ổn định khi xảy ra vụ việc ông Trần Bắc Hà, ông Trần Phương Bình và ông Trịnh Văn Quyết.
Cụ thể, trong ngày Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thông báo tạm giam ông Trần Phương Bình (12/12/2016), VnIndex giảm 0,51% và tiếp tục mất thêm 0,76% vào phiên tiếp theo. Tuy nhiên, sang ngày 14/12/2016, Vn – Index đã bật tăng mạnh, lấy lại toàn bộ những gì đã mất trong hai phiên trước và mở đầu cho một nhịp tăng dài sau đó. Tương tự, HNX cũng mất lần lượt 1,03% và 1,15% trong hai ngày 12/12 và 13/12/2016 và đảo chiều tăng trở lại vào phiên 14/12/2016. Đến vụ chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà bị bắt thì thị trường chỉ điều chỉnh nhẹ trong phiên 30/11/2018 rồi bật tăng mạnh trong hai ngày giao dịch kế sau.
Tương tự, dù chịu áp lực từ sự lao dốc của nhóm cổ phiếu đầu cơ và bất động sản, VN-Index chỉ điều chỉnh nhẹ 0,48% trong phiên giao dịch 30/3 sau thông tin ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, còn HNX-Index mất 2,18%.
Thậm chí điểm sáng trong phiên 30/3 còn xuất hiện ở nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng với nhiều mã tăng giá mạnh, như MBB (+2,03%), BID (+2,71%), VPB (+2,72%), SSB (+4,25%), VIB (+4,68%),…Điều này đi ngược với một số dự báo khi nhận định nhóm ''cổ phiếu vua'' sẽ diễn biến tiêu cực do có nhiều ngân hàng có quan hệ cho vay đối với các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái FLC.
Trước đó, Sacombank, OCB và NCB đã đồng loạt phát đi thông cáo nhấn mạnh các khoản vay đối với nhóm khách hàng FLC Group đều được thực hiện đúng quy định pháp luật và có đầy đủ tài sản đảm bảo. Trong trường hợp phát sinh rủi ro, ngân hàng sẽ chủ động áp dụng các biện pháp xử lý tài sản bảo đảm theo đúng quy định để thu hồi nợ.