Thống kê của Batdongsan.com.vn ghi nhận, trong tháng 4, lượng quan tâm đến bất động sản (đại diện cho nguồn cầu) đã giảm 14% so với tháng liền trước.
Báo cáo của DKRA Việt Nam, dù giá chào bán vẫn tăng nhưng thanh khoản đất nền thứ cấp tại TP HCM và các tỉnh giáp ranh đã sụt giảm từ tháng 4 đến nay, phần lớn đến từ động thái siết chặt tín dụng, kể cả những dự án đã có sổ từng nền. Đơn vị này dự báo, nguồn cung và sức cầu trong tháng tiếp theo sẽ tiếp tục giảm trên toàn thị trường.
Có thể thấy, dấu hiệu giảm nhiệt không chỉ xuất hiện trên chợ địa ốc online, các giao dịch mua bán trên thị trường thứ cấp cũng chững lại. Tốc độ tăng trưởng chững lại trên thị trường địa ốc khiến nhiều nhà đầu tư kỳ vọng cơ hộ sẽ vào ôm hàng giá rẻ.
Tại cuộc họp báo thường kỳ mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đã nhận định, tốc độ tăng giá của thị trường bất động sản đã chậm lại tuy nhiên việc giá có "hạ" hay không thì chưa rõ.
Ông Hùng cho rằng, diễn biến mới này của thị trường, theo ông Hùng, sẽ thuận lợi hơn với người mua nhà. Chủ trương chung là không siết vốn vào bất động sản, nhất là các phân khúc nhà ở phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận người dân. Song vẫn phải kiểm soát để tránh hiện tượng đầu cơ.
Liên quan đến thời điểm khi nào thị trường địa ốc sẽ xảy ra hiện tượng cắt lỗ, thực tế, một số chuyên gia cho rằng khó dự báo chính xác. Tuy nhiên, việc cắt lỗ cũng đã xảy ra với những nhà đầu tư đang phải gồng lãi khi sử dụng đòn bẩy quá đà. Theo ông Phan Công Chánh, chuyên gia bất động sản, nhà đầu tư lướt sóng, dùng đòn bẩy tài chính lớn là chịu rủi ro nhiều nhất.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, đến hết quý III, tình trạng cắt lỗ chưa xảy ra nhiều vì đây là giai đoạn mà nhà đầu tư dung hoà, cơ cấu vốn và tỷ lệ vốn vay. Một số nhà đầu tư vẫn kỳ vọng sự tăng giá trở lại.
Cũng theo ông Chánh, thị trường trong giai đoạn điều chỉnh và phải đợi phản ứng nhà đầu tư mới đánh giá chính xác. Thị trường đang trong trạng thái ngập ngừng để chờ đợi.
Là người theo dõi thị trường, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, giai đoạn thị trường đang giảm nhiệt thì giá mua bán có thể lệch từ 10% - 30% tùy phân khúc và địa điểm. Hiện nay đã có người bán chấp nhận đưa ra giá mềm, tức giảm từ 10% - 20% so với giá thị trường đang rao để bán được, và chấp nhận cho môi giới kê thêm giá, miễn sao bán được. Các sale đang đồng thuận cho kiểu này với lý lẽ "sale giỏi bán được giá cao thì được hưởng phần chênh". Hiện tượng này càng cho thấy giá bán đang lộn xộn, tùy theo người môi giới giỏi "kêu".
"Mua bán bất động sản hiện nay có tình trạng giá trên thị trường và giá giao dịch thực sự không hoàn toàn giống nhau. Người muốn mua thì không tìm được đúng người bán mà họ cần, dễ gặp phải cò đẩy giá. Tôi cho rằng, giá đất thời gian tới có giảm nhưng giảm khi chủ đất thực sự muốn bán", ông Hiển nói.
Vị chuyên gia này còn nói thêm rằng, không ít người khẳng định một cách chắc nịch giá đất chỉ có tăng chứ không giảm. Nhưng họ quên rằng năm 2008 cũng có nhận định như vậy và đến năm 2012 thì thị trường giảm giá khá mạnh ở nhiều phân khúc.
Trong một chia sẻ mới đây, bà Trần Thị Cẩm Tú, Tổng giám đốc Công ty cổ phần bất động sản EximRS nhận định, đây không phải là thời điểm có thể lướt sóng. Do vậy, vào thị trường lúc này, nhà đầu tư phải xác định dài hạn, hạn chế dùng vốn vay, nếu có vay tỷ lệ nên dưới 40%.