Dịch vụ giao thức ăn trực tuyến ngày một phát triển song song với nhịp sống hiện đại của cư dân ở các thành phố lớn. Rõ ràng, các yếu tố nhanh chóng, tiện lợi, đáp ứng mọi sở thích ẩm thực của các ứng dụng gọi thức ăn đã đẩy chất lượng cuộc sống của người dân lên tầm cao mới. Giờ đây, người dân có thể ăn, uống bất kỳ lúc nào họ cần, chỉ bằng cách sử dụng điện thoại thông minh với những cú “click” chọn món dễ dàng.
Song song đó, cũng theo Euromonitor, thị trường đặt món trực tuyến dự báo đạt 38 triệu USD (2020), tốc độ tăng trưởng trung bình 11%/năm. Mảnh đất tiềm năng này còn khá mới nhưng đã vô cùng sôi động với nhiều tên tuổi lớn, đang chạy đua từng ngày.
Chiến lược “bành trướng”
Theo nghiên cứu của Gcomm, 99% người tham gia khảo sát cho biết sử dụng các dịch vụ đặt thức ăn trực tuyến ít nhất 2-3 lần/tháng, thậm chí có đến 39% người tham gia khảo sát đặt món thông qua ứng dụng 2-3 lần/tuần. Con số trên đã được chứng minh rõ bằng hình ảnh các shipper từ Now, GoFood, GrabFood… đứng dày đặc ở các hàng quán mỗi ngày.
Hình ảnh quen thuộc của các shipper luôn túc trực tại các cửa hàng tại TP HCM - Ảnh: Internet
Bên cạnh chạy đua về khuyến mãi, thời gian giao nhận hay đối tác nhà hàng, các “ông lớn” trên thị trường tranh nhau mở rộng và bành trướng quy mô ra nhiều tỉnh thành. Cuộc chơi giờ đây không chỉ ở chiều sâu mà còn đánh mạnh vào chiều rộng, khi dấu ấn của ai đậm nét, lượng lực kẻ nào hùng hậu nhất sẽ là người dẫn đầu thị trường. |
Nếu như Now đang chiếm lĩnh tâm trí người dùng trong những năm qua với độ phủ sóng 14 tỉnh thành cả nước, thì chỉ sau 7 tháng chính thức ra mắt, GrabFood vươn lên như một hiện tượng, phủ sóng 15 tỉnh thành. Số lượng đơn hàng cũng tăng gấp 30 lần kể từ khi ra chính thức được triển khai tại Việt Nam.
Một tốc độ phát triển đáng gờm như chính Giám đốc Grab tại Việt Nam, ông Jerry Lim từng tự tin khẳng định “chúng tôi có mạng lưới đối tác tài xế rộng rãi, dày đặc nhất nên đương nhiên chúng tôi có lợi thế”. Với bước đi mới nhất là mở rộng thị trường đến tổng cộng 15 tỉnh thành, GrabFood đã chính thức trở thành dịch vụ giao nhận thức ăn phát triển nhanh nhất Việt Nam.
So với hai tên tuổi trên, GoFood "sinh sau đẻ muộn" hơn và vẫn giữ khoảng cách khá xa khi mới triển khai dịch vụ tại TP.HCM và đang lăm le triển khai ở Hà Nội.
Có thể thấy rằng, nước cờ lần này là một chiến lược thông minh giúp GrabFood khẳng định được vị thế mới. Bởi giữa những thị trường trung tâm đã được các hãng khai thác triệt để và dần trở nên bão hoà, thì việc tấn công vào những thị trường đầy hứa hẹn khác được xem là bước đi khôn ngoan giúp GrabFood nhanh chóng "hớt váng" thị trường, "nẫng tay trên" so với những đối thủ khác.
Kẻ nào đông hơn kẻ đó thắng?
Năm 2018 là năm Grab chiếm lĩnh thị trường gọi xe công nghệ bằng việc phủ sóng hơn 43 tỉnh thành với 175.000 đối tác tài xế. Theo đó, GrabFood ra đời được thừa hưởng tất cả những lợi thế từ hệ sinh thái Grab - công nghệ, đối tác tài xế, người dùng và dữ liệu lớn.
Điều này có nghĩa GrabFood sẽ có sẵn lực lượng "shipper" hùng hậu và độ phủ dày đặc trên các tỉnh thành như mảng gọi xe của mình. Với lượng shipper đông nhất Việt Nam, GrabFood đang nắm trong tay những lợi thế đắt giá - điều khiến các đối thủ phải đau đầu chạy đua. Nếu muốn mở rộng thị trường, họ phải đầu tư vào lực lượng shipper chứ không thể sẵn có như GrabFood. Rõ ràng, không phải thương hiệu nào cũng đủ tiềm lực để "đánh úp" một lúc 15 tỉnh thành. Cũng nhờ mạng lưới đối tác tài xế phủ rộng và nhận đơn hàng gần như ngay lập tức mà họ có lợi thế duy trì được tốc độ giao hàng trung bình chỉ khoảng 20 phút, có thể nói là dẫn đầu hiện nay.
Đội quân Shipper áo xanh "phủ kín" trước một cửa hàng tại TP.HCM - Ảnh: Internet |
Ông Phạm Đình Thưởng - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công Thương nhận định: "Có thể thấy đa dạng hoá các lĩnh vực TMĐT là một xu thế lớn. Nhìn vào các hoạt động của Grab có thể thấy họ đã dần mở rộng kinh doanh sang nhiều lĩnh vực liên quan. Từ ban đầu chỉ có GrabTaxi đã mở rộng đến GrabCar, GrabBike giờ đã có thêm GrabFood, cạnh tranh với những GoFood, Foody/Now, Lala... Với lợi thế về lực lượng đông đảo hơn 175,000 tài xế, Grab hoàn toàn có thể lấn sân sang các lĩnh vực "bên cạnh".
Ngoài ra, 54% người tham gia khảo sát của Kantar đã chọn GrabFood là thương hiệu được sử dụng thường xuyên nhất của họ so với các công ty giao nhận thức ăn khác tại TP.HCM. Chị N.T.K.Hạnh - nhân viên văn phòng, hiện đang sinh sống và làm việc tại quận 4 cho biết: "Mới hay tin GrabFood cập bến Đà Nẵng đây, giờ lại mở rộng thêm 12 tỉnh thành, mình thật sự bất ngờ trước sự đầu tư của GrabFood. Suy cho cùng thì điều này cũng hoàn toàn hợp lý, vì giờ đi tỉnh nào cũng có dịch vụ GrabBike, thế thì ngại gì mà Grab không tận dụng lực lượng đối tác tài xế đông đảo này để triển khai luôn GrabFood!"
Cuộc chiến chỉ mới bắt đầu trong thị trường giao thức ăn đầy tiềm năng và kẻ chiếm lĩnh thị phần phải là người có lực lượng đông đảo nhất, với các đối tác rộng khắp cả nước. Xét về góc độ trên, có lẽ GrabFood đang là một trong những thương hiệu dẫn đầu. Đây là bước tiến tích cực của Grab trên con đường trở thành "siêu ứng dụng" hàng đầu cho người Việt Nam.