Điều này khiến nhà đầu tư (NĐT) đã rục rịch quay lại với thị trường nhà đất vùng ven Tp.HCM.
Chuộng sản phẩm pháp lý đầy đủ
Thị hiếu của NĐT đã bắt đầu thay đổi mạnh với phân khúc đất nền ven Sài Gòn thời gian gần đây. Nếu trước đây, NĐT đa số tìm sản phẩm chưa ra sổ để mua lại và hưởng chênh lệch cao khi bán ra thì giờ đây họ chỉ tìm mua đất đã có sổ để "chắc ăn".
Tuy nhiên, các sản phẩm pháp lý đầy đủ hiện đang khá khan hiếm nguồn hàng. Đó cũng là lý do, nhiều NĐT dự báo giá đất nền ven Tp.HCM có thể sẽ tăng thêm đợt giá vào tầm tháng 11,12/2018. Tuy vậy, sự tăng giá ở mức chấp nhận được, không đột biến.
Các nền đất còn sót lại trong các khu dân cư mới đang được NĐT tìm mua. Hiện tượng đầu tư lướt sóng diễn biến khá ít trên thị trường, đa số nhắm đến hoạt động đầu tư dài hạn. Tuy nhiên, mức độ chênh giá theo các NĐT sẽ không nhiều từ cuối năm đến quý 1 của năm 2019.
Ông Vũ Ngọc Hưng, NĐT lâu năm sống tại huyện Bình Chánh cho rằng, đất nền khu ven Tp.HCM thời gian qua đã đạt ngưỡng giá khá cao nên nếu NĐT muốn đẩy giá hay chốt lời cao cũng rất khó. Chưa kể, từ giờ đến cuối năm nhìn chung không có cú hích nào về chính sách để phân khúc đất nền tạo đà, thậm chí một số nơi ngày càng siết chặt hơn.
Cũng theo NĐT này, vì sợ rủi ro nên tâm lý mua đất của NĐT ở thời điểm này cũng bắt đầu thay đổi. Đa số chỉ dám xuống tiền ở những nền đã có sổ hoặc số lượng mua nhiều nền một lúc như trước kia dường như không còn. Trong khi những nền đất đã sổ hầu hết giá bán đã khá cao nên NĐT cũng xác định mức lợi nhuận khi bán ra chỉ ở ngưỡng ổn định.
Theo tìm hiểu, những dự án phân lô lẻ vài chục nền đến khoảng 100 nền nhưng chưa ra sổ có hiện tượng bán hàng chậm hơn trước. Ghi nhận tại huyện Bình Chánh, Q.9, huyện Hóc Môn các nền đất chưa ra sổ mở bán từ thời điểm tháng 6/2018 đến nay sức mua giảm nhiệt, NĐT không mấy mặn mà. Đã có hiện tượng giảm 1-2 triệu đồng/m2 ở loại hình này ở một vài vị trí trên một vài khu vực.
Trong khi đó, loại hình nhà phố xây sẵn chào bán ghi nhận lượng giao dịch tăng lên ở thời điểm này. NĐT có hiện tượng mua bán chốt lời trong khoảng thời gian ngắn với phân khúc nhà phố xây sẵn. Lý do là nhu cầu thực ở loại hình này đang có xu hướng tăng lên ở giai đoạn này.
Nhiều nhân tố tác động đến thị trường BĐS cuối năm
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận R&D DKRA nhận định, đất nền tiếp tục là kênh lựa chọn đầu tư hàng đầu. Tuy nhiên, do thị trường giảm nhiệt trong thời gian qua, nguồn cung mới có thể sẽ không tăng và khách hàng cũng thận trọng hơn khi quyết định đầu tư. Còn ở phân khúc căn hộ, nguồn cung mới dao động ở mức 8.00 – 10.000 căn.
Căn hộ hạng A và B tiếp tục dẫn dắt thị trường. Trong khi đó, căn hộ hạng C không có nhiều dự án mới. Sức cầu của thị trường có thể tăng nhẹ so với quý 3/2018 do tâm lý người dân và xu hướng dòng tiền trong thời gian cuối năm. Cũng theo ông Hoàng, nguồn cung và sức cầu phân khúc nhà phố không có nhiều đột biến.
Theo các chuyên gia, từ giờ đến cuối năm 2018, thị trường BĐS đón nhận những nhân tố tác động rõ nét. Các nhân tố tích cực như dòng vốn FDI đang đổ mạnh vào thị trường BĐS; các thể chế, hệ thống pháp luật kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh, bình đẳng; các yếu tố về quy hoạch, trực tiếp là quy hoạch chung xây dựng thành phố định hướng đến năm 2030; chương trình xây dựng và chỉnh trang đô thị; kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng 26.000ha đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị …đang tác động mạnh mẽ đến thị trường BĐS trong thời gian tới.
Tuy vậy, theo các chuyên gia trong ngành, các nhân tố khác như siết chặt tài chính vào BĐS hay các chính sách siết chặt ở một vài phân khúc như đất nền cũng khiến một số phân khúc "chững lại" ở nguồn cầu đến cuối năm.
Bà Lê Thị Bích Ngọc, Phó Tổng giám đốc Him Lam Land cho rằng, ở mỗi phân khúc NĐT đều tìm ra "điểm" để bỏ tiền vào. Tuy vậy, so với thời điểm trước, hiện thị trường BĐS có những biểu hiện biến động rõ nét nên NĐT cũng cần hết sức thận trọng. Dù mua ở hay đầu tư thì vấn đề pháp lý của dự án cũng luôn phải đặt lên hàng đầu để tránh rủi ro và mang lại giá trị gia tăng ổn định cho sản phẩm sở hữu.