Dầu thô Mỹ sau khi vượt ngưỡng 90 USD/thùng tiếp tục tăng do nỗi lo về nguồn cung chưa nguôi thì xuất hiện những nỗi lo mới, trong đó có việc thời tiết ở khắp nước Mỹ diễn biến khắc nghiệt.
Giá dầu thô Brent sáng 4/2 tăng 16 cent, tương đương 0,2%, lên 91,27 USD/thùng, sau khi tăng 1,8% trong phiên 3/2; dầu Tây Texas Mỹ (WTI) sáng 4/2 tăng thêm 0,3%, lên 90,55 USD/thùng, sau khi tăng 2,3% trong phiên trước – khi giá vượt ngưỡng 90 USD lần đầu tiên kể từ ngày 6/10/2014.
Giá dầu Brent và WTI đang hồi phục mạnh mẽ.
Giá dầu WTI tăng mạnh về cuối phiên, so với đầu tuần đã tăng khoảng 4% do lo ngại gia tăng về thời tiết lạnh giá kéo dài có thể ảnh hưởng đến sản lượng khu vực ở Texas, trung tâm sản xuất dầu của Mỹ, làm trầm trọng thêm tình trạng nguồn cung dầu thô vốn đang bị thắt chặt trên toàn cầu.
Một cơn bão mùa đông lớn đã quét qua miền Trung và Đông Bắc nước Mỹ hôm 3/2, mang theo băng tuyết dày đặc, khiến việc đi lại trở nên nguy hiểm nếu không muốn nói là bất khả thi, làm mất điện hàng nghìn người và đóng cửa trường học ở một số bang.
Thời tiết lạnh giá ở Texas bắt đầu ảnh hưởng đến nguồn cung. Hơn 200.000 người dân trên khắp nước Mỹ đã bị mất điện cho đến thời điểm hiện tại do giá lạnh, nhắc nhớ lại những hồi ức về cơn bão Ida một năm trước đã đánh sập nguồn điện của hàng triệu người dân ở Texas.
Bob Yawger, giám đốc phụ trách lĩnh vực năng lượng của Mizuho, cho biết: "Sự sợ hãi đã nhanh chóng dâng lên tột cùng. Trong những giờ qua, những cuộc nói chuyện về giá dầu tăng đã xảy ra ở khắp nơi".
Giá dầu Brent cũng tăng 17% kể từ đầu năm đến nay và nhiều ngân hàng, bao gồm Goldman Sachs Group Inc. dự báo giá Brent sẽ đạt 100 USD.
Thị trường dầu tuần này nóng lên bởi sự kết hợp của nhiều yếu tố. Các nhà đầu tư tỏ ra nghi ngờ việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) có thể thực hiện đầy đủ các kế hoạch thúc đẩy sản lượng. Đồng thời, các thương nhân đang theo dõi sát sao tình hình ở Ukraine với tâm trạng lo ngại Nga có kế hoạch xâm lược Ukraina - điều mà Moscow bác bỏ.
Các nhà phân tích cho biết, đối mặt với việc nhu cầu đang phục hồi vượt xa nguồn cung, các thị trường dầu mỏ ngày càng dễ bị ảnh hưởng bởi các cú sốc về nguồn cung. Trong khi đó, ngay cả khi hàng nghìn chuyến bay bị hủy, thị trường năng lượng vẫn được cố định về sản lượng và không có quá nhiều cú sốc về nhu cầu trong ngắn hạn.
Thị trường cũng đang theo dõi diễn biến giữa Nga và phương Tây về nghi ngờ Nga sẽ tấn công Ukraina và những hành động tăng cường quân sự của phương Tây ở khu vực này, làm dấy lên lo ngại rằng nguồn cung năng lượng cho Châu Âu có thể bị gián đoạn.
Mỹ cảnh báo báo rằng Nga đang lên kế hoạch xâm lược Ukraine, điều mà Nga, nhà sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới, phủ nhận. Mỹ thông báo sẽ cử gửi gần 3.000 quân đến Ba Lan và Romania trong những ngày tới và sẽ bổ sung thêm quân sau đó để củng cố lực lượng cho các đồng minh NATO ở Đông Âu khi liên minh này tiếp tục tham gia vào các nỗ lực ngoại giao với Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đổ lỗi cho NATO và phương Tây về việc gia tăng căng thẳng, ngay cả khi ông đã điều động hàng nghìn binh sĩ đến gần biên giới Ukraine.
Gary Cunningham, giám đốc nghiên cứu thị trường của Tradition Energy, cho biết: "Những căng thẳng xung quanh cuộc xung đột ở Ukraine diễn ra giữa lúc nhu cầu trên toàn cầu ngày càng tăng mà chúng ta không tăng được nguồn cung đáng kể để đáp ứng".
Nhu cầu xăng dầu vẫn tiếp tục tăng, với biến thể Omicron chỉ tạm thời làm giảm tiêu dùng ở các nền kinh tế lớn. Các nhà phân tích của Goldman Sachs dự báo giá dầu Brent đạt 100 USD/thùng trong quý III.
Giá dầu thô đã tăng từ nhiều tuần nay do dự báo nguồn cung sẽ bị thắt chặt hơn nữa, khi các nhà sản xuất OPEC + mắc kẹt với mức tăng sản lượng vừa phải theo kế hoạch.
OPEC + trong tuần này đã đồng ý duy trì mức tăng sản lượng hàng tháng thêm 400.000 thùng/ngày bất chấp áp lực từ những nước tiêu thụ dầu lớn muốn gia tăng nguồn cung nhanh hơn.
Một số thành viên OPEC đang chật vật để bơm thêm dầu mặc dù giá đang ở mức cao nhất trong 7 năm. Iraq đã bơm 4,16 triệu thùng/ngày trong tháng 1, thấp hơn mức giới hạn 4,28 triệu thùng/ngày theo thỏa thuận OPEC +.
Nhà phân tích thị trường dầu mỏ cấp cao của Rystad Energy, Louise Dickson, cho biết: "Nguồn cung tăng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng là vô cùng quan trọng đối với thị trường, nhưng nhóm đã không thực hiện đầy đủ mức tăng đó. Do vậy giải pháp ngắn hạn duy nhất để cân bằng cho thị trường dầu đang mất cân đối cung – cầu là thị trường sẽ cần thêm dầu đến từ OPEC + - được chỉ đạo bởi Saudi Arabia, nhà sản xuất có công suất dự phòng lớn nhất trong khối." Song OPEC+ đang mắc kẹt với các kế hoạch đã thống nhất trước đó là tăng sản lượng thêm 400.000 thùng mỗi ngày bất chấp các nước tiêu thụ dầu hàng đầu muốn họ nâng sản lượng nhiều hơn nữa.
Bên cạnh đó, những khó khăn đang diễn ra trong việc giải quyết tranh chấp của Iran với các cường quốc phương Tây về chương trình hạt nhân của nước này, vẫn là mối lo ngại lớn đối với thị trường dầu mỏ và làm dấy lên lo ngại về gián đoạn nguồn cung.
Các nhà phân tích đã hy vọng sản lượng dầu Mỹ sẽ cứu cánh cho tình trạng thiếu hụt hiện nay, song sản lượng của nước này đã giảm xuống 11,5 triệu thùng/ngày trong tuần gần đây nhất và thấp xa so với mức kỷ lục năm 2019 - là 12,3 triệu thùng/ngày.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết kho dự trữ dầu thô của nước này trong tuần cuối cùng của tháng 1 đã giảm 1 triệu thùng, trái với kỳ vọng tăng, trong khi tồn trữ các sản phẩm chưng cất cũng giảm giữa bối cảnh nhu cầu mạnh mẽ ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu.
Saudi Arabia và các ‘đối thủ nặng ký’ ở Vùng Vịnh như Kuwait và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) có thể tăng sản lượng tương đối nhanh chóng, nhưng thỏa thuận OPEC + không cho phép họ lấn sang hạn ngạch của các nhà sản xuất khác - những nước có thể không tăng sản lượng.
Giá dầu đã tăng 60% trong năm qua, hòa cùng xu hướng tăng giá rộng rãi trên thị trường hàng hóa khi nhu cầu tăng trở lại sau giai đoạn bị tác động của đại dịch Covid-19.
Sự gia tăng nhu cầu đã làm cạn kiệt các kho dự trữ và khiến các nhà giao dịch phải trả giá tăng cho các nguồn cung ngắn hạn. Điều này sẽ làm gia tăng áp lực lạm phát, gây áp lực lên tiêu dùng và báo động các chính trị gia về chi phí sinh hoạt tăng nhanh một cách đáng lo ngại.
Tuy nhiên, với những diễn biến bất ngờ của thị trường dầu trong thời gian qua, đã có một số cảnh báo về nguy cơ thị trường dầu sẽ nhanh chóng chuyển sang dư thừa sau khi giá ở mức quá cao, có thể tình trạng dư thừa sẽ xảy ra ngay trong quý tới.
Citigroup Inc. dự báo giá dầu Brent hợp đồng kỳ hạn tháng 12 sẽ giảm do thị trường khi đó sẽ dư thừa.
Các nhà phân tích của Citi Research thì cho rằng lượng tồn trữ dầu sẽ tăng sớm nhất là vào quý II và duy trì trong 15-18 tháng tới. "Quan điểm của chúng tôi là thị trường dầu thô eo hẹp hoàn toàn có thể chuyển sang dư thừa", Citi Research cho biết.
ConocoPhillips cũng cảnh báo rằng các nhà giao dịch nên lo lắng về sự tăng trưởng sản lượng dầu mạnh mẽ ở Mỹ trong năm nay và năm 2023. Giám đốc điều hành của ConocoPhillips, ông Ryan Lance tại một hội nghị đã cho biết sản lượng của Mỹ có thể tăng rất nhanh. "Nếu chúng ta còn nhớ mức tăng trưởng sản lượng ở Mỹ", ông Lance nhắc tới sự bùng nổ khai thác dầu đá phiến giai đoạn 2014-2015, "mà bạn chưa lo lắng thì bạn nên lo từ bây giờ".
Trong ngày 4/2, Mỹ sẽ công bố dữ liệu về số lượng giàn khoan dầu, một dấu hiệu cho thấy hoạt động của ngành khai thác dầu đá phiến Mỹ. Một số người dự kiến số giàn khoan hiện tại là 500, hồi phục đáng kể so với mức thấp nhất mọi thời đại, là 172 vào tháng 8 năm 2020.
Tham khảo: Reuters, Bloomberg