Giá dầu thô Brent tuần qua đã tăng 5,4%, trong khi dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 6,3%. Tuần này, xu hướng tăng vẫn tiếp diễn. Ngày 18/1, giá dầu thế giới tiếp tục tăng hơn 1 USD, lên mức cao kỷ lục hơn 7 năm do lo ngại về khả năng nguồn cung bị gián đoạn sau khi nhóm Houthi của Yemen tấn công Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), làm gia tăng sâu sắc mối xung đột giữa nhóm liên kết với Iran và Liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu.
Giá dầu Brent kỳ hạn tương lai lúc chiều 18/1 theo giờ Việt Nam tăng 1,37 USD, tương đương 1,6%, lên 87,85 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI tăng 1,71 USD, tương đương 2% so với mức 85,53 USD/thùng phiên giao dịch gần đây nhất (14/1 (sàn New York nghỉ giao dịch ngày 17/1). Cả 2 loại dầu đã đạt mức giá cao nhất kể từ tháng 10/2014.
Giá dầu thô của Nga là tín hiệu mới nhất cho thấy xu hướng giá tăng sẽ còn tiếp diễn. Chênh lệch giữa giá dầu Sokol giao ngay với kỳ hạn giao sau 3 tháng đã tăng ít nhất 40 US cent/thùng trong ngày 18/1 so với phiên liền trước, trong khi mức cộng giá dầu thô ESPO – loại dầu mà các nhà máy lọc dầu Trung Quốc ưa thích – đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 11.
Lợi nhuận lọc dầu diesel ở Châu Á đang cao nhất kể từ cuối 2019.
Ngay cả dầu Brent cũng có triển vọng sẽ còn tiếp tục xu hướng tăng giá thêm một thời gian nữa bởi hoạt động mua dầu thô đang diễn ra một cách ‘điên cuồng’ do nguồn cung ở một số nơi bị gián đoạn và dấu hiệu cho thấy biến thể Omicron sẽ không gây rối loạn thị trường như những lo ngại ban đầu đã đẩy giá một số loại dầu thô trên thế giới tăng lên mức cao kỷ lục chưa từng có trong vòng nhiều năm.
Giá dầu hàng thực (physical) không phải lúc nào cũng diễn biến song song với hợp đồng kỳ hạn tương lai, và khi chênh lệch giữa 2 kỳ hạn mở rộng nhanh chóng ở mức độ đáng kể thì điều đó có thể cho thấy các nhà đầu cơ đã bán quá mức hoặc mua quá mức hợp đồng kỳ hạn tương lai (nhiều hơn so với các yếu tố cơ bản).
Dầu Brent kỳ hạn tương lai đã tăng 10% kể từ đầu năm nhưng vẫn không theo kịp mức tăng của hợp đồng physical, cho thấy thị tình trạng thắt chặt nguồn cung trên thị trường sẽ thúc đẩy đà tăng giá dầu kỳ hạn tương lai trong thời gian không xa.
"Đây là những con số điên rồ. Rõ ràng là nguồn cung hiện tại đang rất khan hiếm", Reuters dẫn lời một nhà kinh doanh dầu ở Biển Bắc cho biết.
Loại dầu tiêu chuẩn Forties hôm 13/1 đã đạt mức giá cao nhất trong vòng 2 năm. Giá các loại dầu quan trọng ở Tây Phi như Bonny Light của Nigeria cũng đã tăng vọt kể từ đầu năm.
Chênh lệch giá giữa các loại dầu thô Vịnh Đại Tây Dương đang tăng nhanh.
Sự vụ nhóm Houthi tấn công vào UAE chỉ là một trong những cuộc tấn công lớn nhất cho đến nay ở lãnh thổ của UAE, nơi sân bay quốc tế chính của Abu Dhabi hôm 17/1 đã bị đốt, khiến xe tải chở nhiên liệu bị bốc cháy trong một khu công nghiệp gần đó. Điều này diễn ra chỉ vài ngày sau khi các chiến binh Houthi do Iran hậu thuẫn cảnh báo Abu Dhabi không nên tăng cường chiến dịch không kích chống lại họ.
Nhà phân tích của ANZ Research cho biết "căng thẳng địa chính trị mới đã làm tăng thêm các dấu hiệu thắt chặt trên thị trường".
Sau khi thực hiện các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa gây ra vụ nổ trong xe tải chở nhiên liệu và làm chết ba người, phong trào Houthi cảnh báo họ có thể nhắm mục tiêu vào nhiều cơ sở hơn, trong khi UAE cho biết họ bảo lưu quyền "đáp trả các cuộc tấn công khủng bố".
Công ty dầu khí ADNOC của UAE cho biết họ đã kích hoạt các kế hoạch kinh doanh liên tục để đảm bảo việc cung cấp sản phẩm cho khách hàng trong nước và quốc tế không bị gián đoạn sau sự cố tại kho nhiên liệu Mussafah.
Thị trường dầu thô đã có một sự khởi đầu sôi động cho năm 2022, khi nguồn cung thắt chặt mà nhu cầu lại tăng mạnh hơn dự kiến. Mỗi yếu tố cấu thành của thị trường dầu mỏ đều đang thể hiện sức mạnh của mình, từ nhiên liệu động cơ diesel đến nhiên liệu máy bay – nhu cầu đều đang tăng vọt ở châu Âu khi du lịch hàng không toàn cầu vượt qua những tác động của virus Omicron.
Các nhà phân tích của CommSec cho biết giá dầu cũng được hỗ trợ bởi nhiệt độ mùa đông ở Bắc bán cầu lạnh hơn bình thường, làm tăng nhu cầu về nhiên liệu sưởi ấm.
Mới qua nửa đầu tiên của tháng đầu năm mới, giá dầu kỳ hạn tương lai đã tăng 12% và đà tăng chưa có dấu hiệu chậm lại, được thúc đẩy một loạt các yếu tố xúc tác, không chỉ hạn chế về nguồn cung, hay giảm lo ngại về Omicron, mà cả lo ngại về khả năng xảy ra cuộc tấn công của Nga vào nước láng giềng Ukraina. Cả hợp đồng Brent và WTI kỳ hạn tương lai hiện đã đi vào vùng mua quá mức lần đầu tiên kể từ cuối tháng 10.
Nhà phân tích Ash Glover của CMC Markets cho biết: "Các nhà phân tích dự báo nhu cầu sẽ vượt cung trong năm nay khi thế giới mở cửa trở lại sau 2 năm đóng cửa và nhu cầu dầu quay về quỹ đạo bình thường hơn".
Các nhà phân tích nhận định, cán cân cung cầu dầu đang bị thắt chặt và tình trạng hiện tại sẽ sẽ khó có thể giảm bớt.
Một số nhà sản xuất trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đang chật vật gia tăng công suất thêm 400.000 thùng/ngày trong tháng 1 theo hạn ngạch thỏa thuận giữa OPEC với Nga và các đồng minh (gọi là OPEC+), bởi bấy lâu nay đã không chú trọng đầu tư cho khai thác dầu, thậm chí nhiều cơ sở đã tạm dừng hoạt động.
Nhà phân tích Craig Erlam của OANDA cho biết: "Điều đó sẽ tiếp tục hỗ trợ cho dầu và gia tăng gấp 3 các cuộc thảo luận về giá cả". Theo ông: "Nếu căng thẳng địa chính trị như hiện tại còn tiếp diễn và các thành viên OPEC + không thể cung cấp bổ sung 400.000 thùng mỗi ngày, các yếu tố vĩ mô kết hợp với triển vọng giá tăng mạnh mẽ mang tính kỹ thuật có thể đẩy giá dầu chạm mốc 100 USD/thùng, là mức kháng cự mạnh tiếp theo".
OPEC sẽ phát hành báo cáo hàng tháng trong ngày 18/1, sẽ cung cấp một cái nhìn tổng thể hơn về thị trường dầu mỏ hiện tại.
Tham khảo: Reuters, Bloomberg