Một trạm xăng ở ngoại ô Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN
Giá dầu đã tăng vọt vào tháng Ba năm nay, khi cuộc xung đột Nga – Ukraine nổ ra làm giảm nguồn cung dầu thô toàn cầu, với giá dầu Brent đạt 139,13 USD/thùng, mức cao nhất kể từ năm 2008. Giá dầu đã nhanh chóng “hạ nhiệt” vào nửa cuối năm khi các ngân hàng trung ương lớn nâng lãi suất và lo ngại về suy thoái kinh tế.
Chuyên gia phân tích Ewa Manthey của ING nhận định: “Đây là một năm đặc biệt đối với các thị trường hàng hoá, với những rủi ro nguồn cung dẫn đến sự biến động gia tăng và giá cả “nhảy múa”. Năm tới sẽ là một năm khó đoán định nữa với nhiều bất ổn”.
Đầu tuần này (ngày 27/12), giá dầu thế giới không biến động nhiều sau khi đạt mức cao nhất trong ba tuần, giữa bối cảnh một số nhà máy năng lượng của Mỹ bị đóng cửa do đợt bão tuyết mùa Đông hoạt động trở lại, xóa bớt mức tăng từ hy vọng Trung Quốc phục hồi nhu cầu khi nước này nới lỏng các hạn chế do COVID-19.
Tuy nhiên, thị trường “vàng đen” đã đi xuống trong hai phiên liên tiếp liền sau đó, do triển vọng nhu cầu không chắc chắn khi nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ cân nhắc áp dụng các hạn chế đối với du khách Trung Quốc, giữa lúc tình hình dịch COVID-19 đang lan rộng tại quốc gia nhập khẩu dầu hàng đầu này.
Báo cáo công bố ngày 29/12 của Cơ quan thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy dự trữ dầu thô của nước này đã bất ngờ tăng trong tuần trước do hoạt động nhập khẩu tăng, còn xuất khẩu giảm. Giá hai loại dầu chủ chốt này đều đã giảm hơn 2% lúc đầu phiên 29/12, tuy nhiên, đà giảm đã chững lại do đồng USD suy yếu, khi các nhà đầu tư lo ngại về việc tăng lãi suất.
Trong khi đó, công ty dịch vụ năng lượng TC Energy Corp cho biết đường ống Keystone vận chuyển 622.000 thùng mỗi ngày hiện đã hoạt động, vài tuần sau sự cố tràn dầu lớn ở vùng nông thôn Kansas. Việc đường ống này ngừng hoạt động đã ảnh hưởng đến nguồn cung ở Mỹ và làm tăng giá dầu trong một thời gian ngắn.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần này (ngày 30/12), cũng là phiên khép lại năm 2022, giá dầu Brent tăng 2,45 USD (tương đương gần 3%) lên 85,91 USD/thùng. Còn giá dầu ngọt nhẹ WTI tăng 1,86 USD (tương đương 2,4%) lên 80,26 USD/thùng.
Trong cả năm 2022, giá dầu Brent tăng 10%, sau khi chứng kiến mức tăng 50% trong năm 2021. Dầu WTI tiến gần 7% trong năm 2022, sau khi tăng mạnh 55% trong năm ngoái. Cả hai loại dầu chủ chốt này đều giảm mạnh trong năm 2020, khi đại dịch COVID-19 làm giảm nhu cầu nhiên liệu.
Trong năm 2023, giới đầu tư năng lượng được dự báo sẽ tiếp tục giữ tâm lý thận trọng, cảnh giác với các đợt nâng lãi suất và khả năng suy thoái kinh tế.
Một cuộc thăm dò 30 chuyên gia kinh tế và nhà phân tích dự báo dầu Brent đạt trung bình 89,37 USD/thùng trong năm 2023, giảm 4,6% so với cuộc khảo sát hồi tháng 11/2022. Dầu WTI được dự báo trung bình đạt mức 84,84 USD/thùng trong năm 2023, cũng giảm so với dự báo trước đó.
Trong khi nhu cầu du lịch dịp nghỉ lễ cuối năm tăng vọt và lệnh cấm bán dầu thô và các sản phẩm dầu của Nga đã hỗ trợ giá dầu, thì nguồn cung khan hiếm sẽ được bù đắp vào năm tới do mức tiêu thụ nhiên liệu giảm vì môi trường kinh tế xấu đi.
Dầu giảm trong nửa cuối năm 2022 khi lãi suất của các ngân hàng đồng loạt tăng để chống lạm phát, khiến đồng USD mạnh lên. Điều đó làm cho các hàng hoá định giá bằng đồng USD như dầu thô trở nên đắt đỏ hơn đối với người nắm giữ những đồng tiền khác.
Mặc dù nhu cầu dầu tại Trung Quốc được dự báo sẽ phục hồi trong năm 2023, một đợt bùng phát gần đây số ca nhiễm COVID-19 đã làm giảm hy vọng về việc gia tăng nhu cầu ngay lập tức tại nước này.
Dữ liệu từ công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho biết số giàn khoan dầu tại Mỹ, một chỉ báo về nguồn cung trong tương lai, tăng 33% trong năm 2022.