Tuần trước, giá dầu thô Brent từng vượt mốc 80 USD/thùng lên sát mức kỷ lục của năm 2018 khi thị trường bàn tán về việc Mỹ trừng phạt ngành năng lượng của Iran, các tổ chức hạ dự báo sản lượng dầu đá phiến và khả năng tàn phá lớn của cơn bão Florence ở bờ đông nước Mỹ.
Hiện nay, dù triển vọng tăng trưởng nhu cầu không mấy khả quan nhưng thị trường dầu thô vẫn còn nhiều yếu tố hỗ trợ.
Ảnh: Bloomberg
Xuất khẩu dầu của Iran là tâm điểm
Nguồn cung dầu thô từ Iran dự báo gián đoạn khi các biện pháp trừng phạt của Mỹ có hiệu lực vào tháng 11. “Iran trở thành mối bận tâm ngày càng lớn của thị trường dầu thô. Dòng chảy dầu thô đã bắt đầu ùn ứ lại vì Iran đang phải trữ dầu thô cả trên đất liền và trên tàu”, nhóm chuyên gia phân tích tại Công ty JBC Energy cho biết.
Mới đây, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cảnh báo rằng, các biện pháp trừng phạt của Mỹ có thể tạo ra bất ổn rất lớn đối với thị trường dầu mỏ, vì chưa rõ sẽ có bao nhiêu nước nhập khẩu dầu lớn hạn chế mua dầu Iran để “thỏa mãn” yêu cầu của Mỹ. Hàn Quốc hiện không còn nhập khẩu dầu từ Iran. Trong khi đó, Ấn Độ và Trung Quốc cũng bắt đầu giảm giao dịch với quốc gia Trung Đông này.
Mặc dù Arab Saudi và “cộng sự” Nga đã quyết định sẽ tăng sản xuất để bù lại sự gián đoạn nguồn cung từ Iran, nhưng tốc độ tăng trưởng sản lượng vẫn chậm hơn dự kiến. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đang kêu gọi các nước sản xuất dầu tăng sản lượng để giữ giá dầu thô nằm trong tầm kiểm soát, giảm bớt tác động lên giá nhiên liệu nội địa trước khi cuộc bầu cử giữa kỳ diễn ra. Theo đó, Mỹ đã chào bán 11 triệu thùng dầu trong kho dự trữ chiến lược ra thị trường nhằm kéo giảm giá.
“Kể từ tháng 4, giá dầu Brent dao động trong khoảng 70 – 80 USD/thùng và đây có thể sẽ là hai ngưỡng thử của thị trường sắp tới. Mọi thứ đang dần thắt chặt hơn”, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận định.
Tăng trưởng sản lượng dầu đá phiến của Mỹ dự báo giảm
Sản lượng dầu thô tại Mỹ dự báo tăng trưởng chậm hơn dự kiến trong năm 2019, xuống 840.000 thùng/ngày, Ủy ban Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết. Hiện tại, hoạt động khoan dò tìm tại khu vực Permian Basin đang chậm lại vì công suất của đường ống dẫn dầu không đủ.
Theo số liệu mới nhất của Viện Dầu mỏ Mỹ, tồn kho dầu thô của Mỹ giảm 8,6 triệu thùng trong tuần trước, cao hơn nhiều mức dự đoán 805.000 thùng. EIA cũng tính toán tồn kho dầu thô của Mỹ giảm 5,3 triệu thùng trong cùng kỳ.
Trong bối cảnh như vậy, thị trường đang giữ tâm lý rất tích cực đối với giá dầu thô.
Siêu bão Florence ảnh hưởng thế nào đến sản xuất dầu tại Mỹ?
Siêu bão Florence tràn vào bờ đông nước Mỹ từ ngày 15/9, gây thiệt hại lớn cho hai bang Bắc và Nam Carolina. Trước khi, cơn bão này đổ bộ, giá xăng dầu tại khu vực này được dự báo tăng mạnh. Tuy nhiên theo giới phân tích, nhu cầu thực tế có thể giảm vì ít người lái xe ra đường khi bão về.
Mặt khác, những lo ngại liên quan đến ảnh hưởng của cơn bão Florence đến đường ống dẫn đầu Colonial (vận chuyển dầu thô xuyên qua các bang Carolina tới khu vực đông bắc) cũng được xoa dịu, bởi hệ thống ống dẫn dầu này nằm sâu dưới lòng đất và có thể không bị ảnh hưởng, theo giới chuyên gia.
Tuy nhiên, thị trường vẫn theo dõi tác động của cơn bão đến hệ thống cung cấp điện tại các trạm bơm cho đường ống này.
Ngoài Florence, diễn biến của cơn bão nhiệt đới Issac cũng là điểm đáng chú ý. Với hướng di chuyển dự báo là vào Vịnh Mexico, một trung tâm sản xuất và lọc dầu của châu Mỹ, cơn bão này có thể sẽ tác động mạnh đến lĩnh vực dầu khí của Mỹ.
Bước đi của các quỹ đầu tư
Sau nhiều tháng liên tục thanh lý vị thế mua, các quỹ đầu tư đang mạnh tay đặt cược giá dầu thô tăng trước lo ngại lệnh trừng phạt Iran của Mỹ sẽ khiến thị trường thiếu hụt mặt hàng này.
Vị thế mua ròng đối với dầu Brent, chênh lệch giữa hợp đồng đặt cược giá tăng và giá giảm tăng hơn 7% trong tuần kết thúc vào ngày 4/9 lên 416.742 hợp đồng kỳ hạn và quyền chọn, theo số liệu của sàn giao dịch ICE.
Tương tự, vị thế mua ròng đối với dầu WTI cũng tăng 16.634 hợp đồng trong cùng kỳ lên 386.487 hợp đồng, Ủy ban giao dịch hàng hóa kỳ hạn Mỹ cho biết.
Dấu hỏi về tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ
Một lý do khiến các nước sản xuất dầu của OPEC không nhanh tay tăng sản lượng là sự bất ổn về triển vọng tiêu thụ dầu mỏ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều rủi ro.
Cả EIA và bộ phận nghiên cứu của OPEC mới đây đều hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thô trong năm 2019. Theo đó, EIA giảm dự báo nhu cầu dầu toàn cầu về 1,47 triệu thùng/ngày. Dự báo OPEC là 1,4 triệu thùng/ngày, giảm 20.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó và ghi nhận hai tháng hạ triển vọng liên tiếp.
Trong báo cáo mới nhất, OPEC cho rằng thách thức tại một số quốc gia mới nổi và đang phát triển ngày càng lớn, khiến triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu theo đó cũng u ám hơn. “Lo ngại nữa là căng thẳng thương mại ngày càng leo thang, thế giới ngày càng thắt chặt chính sách tiền tệ và tổng nợ toàn cầu tiếp tục lên cao”.