Từ những nhận định trên, các chuyên gia khẳng định rằng diễn biến thị trường bất động sản năm 2018 ổn định, bức tranh bất động sản 2019 có khá nhiều điểm sáng.
Ông Vũ Văn Phấn, Cục phó Cục quản lý Nhà và Thị trường bất động sản – Bộ Xây dựng, cho biết trong năm 2018, lượng tồn kho bất động sản mặc dù đã giảm nhiều nhưng vẫn còn khoảng 23.000 tỉ đồng, tập trung ở các dự án nằm ở xa trung tâm các đô thị, hạ tầng hầu như chưa có hoặc chưa hoàn thiện.
Trong khi đó, một báo cáo của Hiệp hội BĐS (HoREA) TP.HCM, cho thấy hàng tồn kho của 65 doanh nghiệp địa ốc niêm yết trên sàn chứng khoán lên đến 201.921 tỷ đồng.
Theo HoREA, trong 9 tháng năm 2018, có khoảng 65 doanh nghiệp bất động sản lớn niêm yết trên thị trường chứng khoán, đã tạo ra 157.922 tỷ đồng doanh thu thuần (tăng 42%) và 22.645 tỷ đồng lãi ròng (tăng 87%). Trong đó, có 58 doanh nghiệp có lãi (chiếm 89%) 7 doanh nghiệp báo lỗ, 24 doanh nghiệp bị sụt giảm lợi nhuận.
Hiệp hội cho rằng, kênh dẫn vốn từ thị trường chứng khoán vào thị trường bất động sản đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong thời gian tới đây. Do đó, HoREA khuyến nghị các doanh nghiệp xem xét chuyển đổi thành công ty cổ phần, và định hướng trở thành công ty đại chúng, để niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán. Đây là xu thế phát triển tất yếu của các doanh nghiệp bất động sản .
Một hình thức khác để thu hút vốn đầu tư được HoREA khuyến nghị là lựa chọn đối tác là các doanh nghiệp, quỹ đầu tư nước ngoài (FDI) có uy tín và năng lực tài chính, để hợp tác đầu tư, kinh doanh, phát triển dự án, nhằm tăng cường nguồn lực, học hỏi kinh nghiệm và nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp.
Hiện nay, nguồn vốn FDI vào thị trường bất động sản đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng đầu là Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc...
Những khuyến nghị này được đưa ra trong bối cảnh tín dụng bất động sản sắp bị siết chặt theo lộ trình. Theo HoREA, doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng các nguồn vốn khác thay thế, do ngày càng khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Lý do là kể từ ngày 1/1/2019, các tổ chức tín dụng chỉ còn được sử dụng tối đa 40% nguồn vốn ngắn hạn, để cho vay trung hạn và dài hạn, theo quy định tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN và Thông tư 16/2018/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.
Trong tình hình đó, chỉ có doanh nghiệp đảm bảo hiệu quả kinh doanh, trước hết là đảm bảo chỉ tiêu lợi nhuận, doanh thu, chuẩn bị được quỹ đất dự án, chất lượng công trình, tiến độ thực hiện dự án, tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp... thì mới có điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng ngân hàng.