Sản lượng đường Thái Lan niên vụ 2021/22 (tháng 10 – tháng 9) dự báo sẽ cải thiện mạnh mẽ nhờ lượng mưa tăng lên trong tháng 9 vừa qua, hy vọng sẽ đem lại sản lượng từ 9,5 đến 11 triệu tấn đường.
Sản lượng đường Thái Lan năm 2021/22 dự báo sẽ hồi phục mạnh.
Điều kiện thời tiết năm nay tốt hơn nhiều. Trong giai đoạn cây mía phát triển đã có lượng mưa cao hơn khoảng 15% so với năm trước tại các vùng trồng mía trọng điểm của nước này.
S&P Global Platts Analytics ước tính sản lượng mía của Thái Lan trong năm marketing 2021-22 sẽ đạt 95 triệu tấn và sản lượng đường là 10,5 triệu tấn. Xuất khẩu đường trong niên vụ này dự báo sẽ tăng 3,8 triệu tấn so với niên vụ trước, lên 7,5 triệu tấn.
Cước vận chuyển cao
Đường tinh luyện được vận chuyển trong các container, do đó các hãng vận tải bị phụ thuộc và gần đây liên tục bị tắc nghẽn ở các cảng biển, đồng thời gặp nhiều rủi ro trong các khâu khác của chuỗi logistics. Hiện nay, giá đường giao ngay không thay đổi nhiều, trong khi giá đường kỳ hạn tương lai cao nên cước phí vận tải sẽ là yếu tố chính ảnh hưởng đến giá CFR ở điểm nhận hàng.
Hiện cước vận tải container ở Châu Á đã tăng khoảng 3 – 4 lần so với trước đây. Do đó, một số khách hàng không muốn chấp nhận chịu mức phí tăng đó và cũng không có lý do gì để phải mua đường gấp gáp vì không quá thiếu hụt đường.
Các nhà kinh doanh đường thô cho biết việc cước vận tải hàng rời gần đây giảm khỏi mức cao kỷ lục đã hỗ trợ giá đường xuất khẩu tới những nước nhập khẩu lớn như Indonesia. Được biết, cước vận tải hàng khô, rời bằng đường biển những tuần cuối tháng 11 – đầu tháng 12 đã giảm khoảng 20%. Theo đó, cước phí cho một chuyến tàu Handysize (cỡ nhỡ) từ Thái Lan đến Indonesia ở mức 27,50 USD/tấn vào ngày 14 tháng 12, so với mức cao kỷ lục 35 USD/tấn hôm 14/10.
Nhu cầu từ Indonesia
Indonesia, quốc gia thường mỗi năm nhập khẩu hơn 2 triệu tấn đường thô của Thái Lan. Năm nay, từ tháng 1 đến tháng 10, Indonesia mới nhập khẩu 819.031 tấn, giảm khoảng 61% so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu của Thai Sugar Milling Corporation Limited. Một yếu tố góp phần vào sự sụt giảm nhập khẩu như trên là tiêu thụ đường ở Indonesia giảm do các hạn chế đi lại để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19. Ngoài ra, sự xuất hiện của đường thô Ấn Độ và Brazil trên thị trường Indonesia cũng là một trong những lý do dẫn tới nhập khẩu đường Thái Lan giảm.
Tuy nhiên, các nguồn tin thị trường kỳ vọng đường Thái Lan sẽ lấy lại khả năng cạnh tranh xuất khẩu vào năm 2022.
Các nhà kinh doanh đường thô cho biết Thái Lan gần Indonesia hơn nhiều (so với Ấn Độ và Brazil), vì những lợi thế về vận chuyển hàng hóa sẽ giúp xuất khẩu đường của Thái Lan hồi phục mạnh mẽ. Chênh lệch cước vận chuyển giữa Brazil và Thái Lan đến Indonesia là khoảng 30 USD/tấn, dựa trên dữ liệu của Platts.
Đường Thái Lan có lợi thế về cước vận tải trên thị trường Indonesia.
Thái Lan cũng đã hạ mức ICUMSA tối thiểu cho mặt hàng đường của mình từ 1.000 xuống 600 kể từ tháng 4/2021. "Điều đó cho phép đường Thái Lan cạnh tranh với đường Ấn Độ và Brazil vì chất lượng ngang bằng và tôi nghĩ rằng 50% nhu cầu của Indonesia sẽ được đáp ứng từ Thái Lan vào năm 2022", thông tin từ một nhà máy đường Thái Lan cho biết.
Chính phủ Indonesia vào đầu tháng 12 đã công bố khuyến nghị cấp phép nhập khẩu đường trong năm 2022. Theo các nguồn tin thị trường, các nhà máy tinh luyện đường (refineries) sẽ nhận được hạn ngạch nhập khẩu 3,48 triệu tấn cho các chuyến đường nhập khẩu từ 1/1 đến 31/12/2022, và các nhà máy mía đường (sugar mills) được cấp hạn ngạch 750.000 tấn choc các chuyến đường nhập khẩu từ ngày 1/1 đến 3/6/2022.
Kỳ vọng vào thị trường Việt Nam
Việt Nam ngày 16/6 đã áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với đường mía nhập khẩu từ Thái Lan ở mức 47,64% trong 5 năm, tính từ 16-6-2021, sau hơn một năm điều tra về vấn đề này.
Một số nguồn thông tin từ Thái Lan cho biết Việt Nam có thể mở rộng phạm vi áp dụng chính sách chống bán phá giá đối với đường nhập khẩu từ các nước ASEAn khác đủ điều kiện áp thuế 5% theo Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN hoặc ATIGA, chẳng hạn như Indonesia, Malaysia, Campuchia, Lào và Myanmar, với nỗ giảm áp lực cạnh tranh từ đường nhập khẩu lên giá đường nội địa của Việt Nam và thúc đẩy sản xuất trong nước.
"Nếu áp thuế đối với đường xuất xứ ASEAN, chúng tôi sẽ coi đường Thái Lan là đường nhập khẩu, sẽ tương tự như các nước ASEAN khác", Spglobal dẫn lời một thương nhân Việt Nam cho biết.
Các nguồn tin thị trường cho rằng mức thuế áp đối với các mặt hàng đường ASEAN khác sẽ gần bằng mức thuế 47,64% đối với Thái Lan, điều đó có thể sẽ giúp đường Thái Lan lấy lại thị phần ở thị trường Việt Nam vào năm 2022.
"Việt Nam vẫn cần nhập khẩu đường do đó việc xây dựng chính sách này sẽ là yếu tố quan trọng (đối với đường Thái Lan) trong năm 2022 vì điều đó có thể đẩy tăng mức cộng giá đường giao ngay của Thái Lan tăng lên so với hiện nay ", một thương nhân ở Singapore cho biết.
Tham khảo: Spglobal