CTCK MBS vừa đưa ra báo cáo đánh giá thị trường với nhiều điểm đáng chú ý. Cụ thể, trong tuần qua, chỉ số VN-Index tiếp tục dẫn đầu đà tăng kể từ đầu tháng 5 so với các thị trường trên thế giới. Thanh khoản được đẩy lên mức cao mới đã hỗ trợ chỉ số vượt đỉnh thành công bất chấp khối ngoại bán ròng. Dòng tiền chủ yếu vẫn tập trung ở nhóm cổ phiếu ngân hàng và thép, về cuối tuần độ rộng được cải thiện hơn với sự tham gia của nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng như nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ.
Đây cũng là tuần tăng thứ 3 liên tiếp của chỉ số VN-Index trong chuỗi tăng 7/8 tuần vừa qua, đáng chú ý là chuỗi tăng kể từ đầu tháng 5 cho tới nay ngược dòng và khỏe hơn so với phần lớn các thị trường trên thế giới. Thị trường Việt Nam hiện là 1 trong số ít các thị trường vẫn giữ được đà tăng trong tháng 5 khi phần lớn các thị trường đã bước vào nhịp điều chỉnh.
Những cổ phiếu có liên quan nhiều nhất đến sự phục hồi kinh tế đang diễn ra tiếp tục là địa chỉ của dòng tiền trong tuần vừa qua. Nhờ chỉ số tiếp tục duy trì ở mức cao mới, bên cạnh đó là lượng tài khoản mở mới tiếp tục tăng và thanh khoản thị trường kỷ lục, nhóm cổ phiếu chứng khoán tiếp tục có tuần thứ 2 liên tiếp tăng mạnh nhất thị trường, hỗ trợ đà tăng của nhóm này là các cổ phiếu lớn như: SSI (+10,48%), VND (+8,05%), SHS (+9,3%),…tiếp theo là nhóm cổ phiếu vật liệu xây dựng, thủy sản, ô tô, logistics, bán lẻ, ngân hàng, BĐS…
Đối với cổ phiếu chứng khoán, đà tăng được hưởng lợi từ hoạt động tự doanh, phí giao dịch, lượng tài khoản mở mới, nghiệp vụ tự doanh, cho vay margin… Bên cạnh đó, để mở rộng hoạt động kinh doanh, mở rộng cho vay ký quỹ, nhiều công ty chứng khoán đã lên kế hoạch tăng vốn thông qua phát hành cổ phần và trái phiếu ra công chúng.
Riêng năm công ty chứng khoán niêm yết lớn nhất gồm SSI, VCI, HCM, VND, MBS đang lên kế hoạch tăng vốn trong đó 6,4 nghìn tỷ đồng đến từ phát hành quyền mua cổ phiếu, phát hành riêng lẻ và/hoặc trái phiếu chuyển đổi và 813 tỷ đồng thông qua ESOP.
Thị trường duy trì xu hướng tích cực, dòng tiền hướng tới nhóm midcaps?
Theo MBS, về mặt kỹ thuật từ 20/4 cho tới nay, chỉ số VN-Index có thể đang trong mô hình tam giác hướng lên với các đáy được nâng dần lên trong khi ở vùng đỉnh đi ngang. Phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index break out vượt qua vùng kháng cự Fibonacci Extension 50% tương ứng vùng 1.274 điểm và đóng cửa ở mức 1.283 điểm.
Theo thống kê, có 37,83% số cổ phiếu trong rổ VN-Index nằm trên MA20 (tăng mạnh so với mức 29% ở thời điểm đầu tháng 5) và 5,9% số cổ phiếu có RSI<30 (giảm so với mức 11.2% so với tuần trước) cho thấy các cổ phiếu trong nhóm Midcap và Penny đang có tín hiệu hồi phục và đồng thuận trở lại cùng với nhóm vốn hóa lớn.
MBS cho rằng với tín hiệu tăng tích cực trong tuần qua cùng với sự đồng pha của các nhóm cổ phiếu như midcap bắt đầu gia tăng cho thấy khả năng sẽ có một nhịp tăng mạnh khi sự đồng thuận diễn ra trong ngắn hạn.
Về thị trường, trong kịch bản lạc quan, MBS cho rằng VN-Index vượt cận trên của tam giác này, khả năng sẽ hướng đến mục tiêu trong ngắn hạn ở ngưỡng 1.315 - 1.340 điểm. Ngược lại, trong kịch bản cơ bản, khi chỉ số VN-Index nếu chưa xuất hiện nhịp bứt phá mạnh thì vẫn trong xu thế Sideway up hướng lên các vùng đỉnh cao mới với khả năng dao động trong vùng 1.275 – 1.315 điểm.
Dự báo kịch bản tuần 24-28/5 của MBS
MBS khuyến nghị nhà đầu tư nên hạn chế lướt sóng, tiếp tục với nhóm cổ phiếu đang được dòng tiền tích tụ và đang có trend, đặc biệt là nhóm cổ phiếu đã vượt đỉnh. Ưu tiên nắm giữ danh mục cổ phiếu tốt vốn hóa lớn với KQKD tăng trưởng cao trong Q1 vừa qua. Các cổ phiếu được mang tính chu kỳ, được hưởng lợi từ sự phục hồi hoặc mở cửa trở lại của nền kinh tế như ngân hàng, chứng khoán, thép, bán lẻ, công nghệ, cao su, dầu khí, khai khoáng…vẫn sẽ là tiêu điểm.
Cũng theo MBS, nhà đầu tư có thể cơ cấu một phần danh mục sang nhóm midcap trong kịch bản thị trường tiếp tục đi ngang ở vùng đỉnh mới.