Cụ thể, tháng 12/2017, giá trị xuất khẩu tôm đạt 339,8 triệu USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2016, đưa giá trị xuất khẩu cả năm lên 3,85 tỷ USD, tăng 22,3%. Điều này thể hiện sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường diễn biến phức tạp.
Nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường tiêu thụ chính (EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...) tăng cao phục vụ nhu cầu các lễ hội cuối năm. Trong khi một số nước đối thủ gặp khó khăn về sản xuất và thị trường xuất khẩu như việc Thái Lan ngừng nhập khẩu tôm Ấn Độ ảnh hưởng không chỉ Ấn Độ mà còn làm Thái Lan bị giảm nguồn cung nguyên liệu cho chế biến.
EU năm qua bất ngờ vươn lên vị trí dẫn đầu về nhập khẩu tôm Việt Nam. Giá trị xuất khẩu sang thị trường này đạt trên 862,8 triệu USD, tăng 43,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Hà Lan là thị trường nhập khẩu lớn nhất tôm Việt Nam trong khối EU. Trong 3 thị trường nhập khẩu chính tôm Việt Nam trong khối EU (Hà Lan, Anh và Đức) thì xuất khẩu sang Hà Lan tăng mạnh nhất 71,6% đạt 224,2 triệu USD. Tiếp đó, Anh và Bỉ lần lượt tăng 55,5% và 52,1%.
Có thể nói, năm 2017 tôm Việt Nam thắng lợi tại thị trường EU nhờ tôm Ấn Độ (đối thủ chính của Việt Nam tại EU) bị dính kháng sinh và đối mặt với nguy cơ EU cấm nhập khẩu nên tôm Việt Nam được lựa chọn thay thế.
Hơn nữa, để được hưởng thuế suất ưu đãi từ EU, doanh nghiệp phải mua tôm nguyên liệu trong nước dù giá cao hơn. Cũng do giá nguyên liệu tôm Việt Nam cao nên các doanh nghiệp đã đầu tư lớn để làm hàng chế biến sâu để gia tăng giá trị khi xuất khẩu. Tôm Việt Nam có lợi thế được hưởng GSP từ EU mà Thái Lan và Trung Quốc không có.
Trong một diễn biến khác, theo Tổng cục Thủy sản, sản lượng tôm các loại cả nước năm 2017 đạt 723,8 nghìn tấn trong đó tôm nước lợ đạt 683,4 nghìn tấn; gồm tôm sú 256,4 nghìn tấn, tôm chân trắng 427 nghìn tấn. Diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 721,1 nghìn ha, trong đó, tôm sú 622,4 nghìn ha, tôm chân trắng 98,7 nghìn ha.