Sau 2 phiên điều chỉnh, thị trường chứng khoán đã tăng trở lại tuy nhiên áp lực chốt lời sau giai đoạn hồi phục mạnh trước đó vẫn còn hiện hữu. Bất chấp lực bán ra khá mạnh, dòng tiền “ồ ạt” đổ vào nhóm chứng khoán vẫn hấp thụ hết và đẩy một loạt cổ phiếu như VND, HCM, MBS, SHS,... tăng kịch trần “trắng bên bán”.
Phiên bứt phá mạnh tiếp tục nối dài đà hồi phục của nhóm chứng khoán. So với vùng đáy hồi giữa tháng 11, phần lớn các cổ phiếu đều đã tăng khoảng 50-60% thị giá, các biệt có một số cái tên như SHS, CTS còn tăng trên 70%. Dù vậy, mức hồi phục này vẫn chưa thấm vào đâu so với những gì đã mất sau giai đoạn trượt dài trước đó.
So với đỉnh, nhiều cổ phiếu nhóm chứng khoán vẫn còn thấp hơn khoảng 50-60%. Định giá các công ty chứng khoán cũng theo đó “mềm” đi đáng kể. Mức P/B cao ngất ngưởng 3-4 lần gần như không còn ngoại trừ một vài cái tên nhỏ, cá biệt. Thay vào đó, hầu hết các cổ phiếu nhóm này hiện chỉ có P/B quanh vùng 1-1,5 lần. Đây là một trong những yếu tố kích thích dòng tiền bắt đáy nhập cuộc thời gian gần đây.
Bên cạnh định giá tương đối hấp dẫn, thanh khoản có sự cải thiện rõ rệt thời gian gần đây cũng là một yếu tố tích cực hỗ trợ đà tăng của các cổ phiếu chứng khoán. Theo thống kê, giá trị khớp lệnh bình quân phiên trên HoSE từ đầu tháng 12 lên đến gần 17.300 tỷ đồng, tăng 75% so với tháng trước. Thực tế, giao dịch đã bắt đầu sôi động hơn từ cuối tháng trước khi thị trường hồi phục mạnh mẽ từ đáy 2 năm.
Thanh khoản cải thiện trong bối cảnh số lượng tài khoản mở mới tiếp tục sụt giảm. Trong tháng 11, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 88.479 tài khoản chứng khoán trong tháng 11, giảm tháng thứ 6 liên tiếp và là mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021. Điều này phần nào cho thấy dòng tiền mới nhập cuộc khá dè dặt và sự sôi động của thị trường chủ yếu nhờ tâm lý ổn định hơn của các nhà đầu tư vẫn ở lại thị trường sau giai đoạn sóng gió.
Ngoài ra, sự trở lại mạnh mẽ của khối ngoại cũng góp phần không nhỏ thúc đẩy thị trường đi lên cả về mặt điểm số và thanh khoản. Trong tháng 11, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng gần 16.000 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh trên HoSE, con số kỷ lục trong một tháng từng ghi nhận của chứng khoán Việt Nam. Xu hướng vẫn được tiếp nối sang tháng 12 khi khối ngoại tiếp tục mua ròng thêm gần 7.000 tỷ đồng. Bên cạnh ETF, dòng tiền P-Notes cũng được đồn đoán đang không ngừng đổ vào thị trường.
Những tín hiệu lạc quan bắt đầu xuất hiện nhiều hơn trên thị trường được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện hoạt động kinh doanh của các công ty chứng khoán sau 2 quý đầy khó khăn trước đó. Sự hồi phục mạnh mẽ của hàng loạt cổ phiếu sẽ góp phần giảm áp lực lên hoạt động tự doanh của nhóm chứng khoán. Thanh khoản tăng mạnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi để mảng môi giới và cho vay tăng trưởng trong thời gian tới.
Thêm nữa, về mặt cung cầu trên thị trường, thanh khoản còn là yếu tố mang tính quyết định đến khả năng đi lên của các nhóm cổ phiếu. Nguồn cung tăng vọt sau giai đoạn tăng vốn “ồ ạt” của các công ty chứng khoán càng đòi hỏi dòng tiền lớn để hấp thụ. Thời điểm hiện tại, nhiều cổ phiếu chứng khoán vẫn đang làm tốt việc hút tiền nhờ định giá khá hấp dẫn so với triển vọng dài hạn tuy nhiên xu hướng này có tiếp tục được duy trì hay không vẫn cần thời gian kiểm chứng.
Nhận định về tình hình kinh doanh cả năm 2022 của nhóm chứng khoán, KIS Việt Nam không kỳ vọng một năm như mơ tương tự năm 2021 với mức tăng vượt trội, mà thiên về các kịch bản với kết quả kinh doanh đi ngang hoặc giảm nhẹ. Càng về cuối năm, khi các kết quả kinh doanh nếu so trên cơ sở cùng kỳ năm ngoái sẽ ngày càng tiêu cực do nền cực kỳ cao vào nửa cuối năm ngoái.
Tuy nhiên, triển vọng dài hạn của nhóm chứng khoán vẫn được đánh giá lạc quan nhờ dư địa tăng trưởng số lượng nhà đầu tư tham gia còn nhiều. Ngoài ra, một số câu chuyện như (1) Triển khai hệ thống KRX; (2) Rút ngắn chu kỳ thanh toán; (3) Thanh lọc thị trường trái phiếu; (4) Nâng hạng thị trường cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hoạt động của các công ty chứng khoán.