Từ đầu năm 2020 đến nay, thị trường ứng dụng gọi xe công nghệ có thêm hai cái tên mới là Unicar và Zuumviet. Theo đó, Unicar là ứng dụng gọi xe do một nhóm bạn trẻ tại Nghệ An phát triển, với các dịch vụ như gọi xe, vận chuyển hàng hóa, thuê xe với chi phí giá rẻ cho khách hàng. Unicar đặt mục tiêu đem lại giải pháp công nghệ mang tính thực tiễn cao, với chi phí tiết kiệm nhất cho khách hàng.
Các dịch vụ trên ứng dụng Unicar như Uni Car (dịch vụ đưa đón tận nơi bằng xe hơi), Uni Bike (dịch vụ đưa đón bằng xe máy), Uni Fast (giao hàng nhanh), Uni Truck (vận tải ký gửi hàng hóa), Uni Rent (cho thuê xe tự lái). Ứng dung Unicar hiện đang được thử nghiệm hoạt động tại thành phố Vinh (Nghệ An) và sẽ mở rộng ra Huế và Đà Nẵng trong thời gian tới.
Trong khi đó, ứng dụng gọi xe ZuumViet đang trong quá trình tuyển dụng tài xế để chuẩn bị ra mắt ứng dụng trong thời gian tới. Theo đó, ZuumViet lựa chọn màu áo tím để làm nhận diện thương hiệu. Các dịch vụ của ZuumViet bao gồm ZuumBike (xe máy), ZuumCar (4 chỗ, 7 chỗ) và ZuumLux (ứng dụng gọi xe sang như Audi, BMW).
Trên trang thông tin ZuumViet, hãng này đưa ra mức chiết khấu đối với tài xế là 25% (đã bao gồm các mức thuế). Tuy nhiên, ZuumViet cho biết sẽ không thu chiết khấu cho 5.000 đối tác tài xế đầu tiên kích hoạt thành công tài khoản ZuumDriver (bao gồm cả ZuumBike và ZuumCar).
Thêm nhiều hãng xe công nghệ tham gia thị trường cạnh tranh với Grab, GoViet, Be, Vato, FastGo...
Trong khi đó, để cạnh tranh với những ứng dụng cũ và mới xuất hiện trên thị trường, hãng Grab đang triển khai thử nghiệm "Chuyến xe hẹn giờ", áp dụng cho dịch vụ GrabCar cho thị trường Hà Nội. Với "Chuyến xe hẹn giờ", người dùng Grab có thể đặt trước các chuyến xe GrabCar, tối đa 7 ngày so với thời điểm cần di chuyển. Cước phí (bao gồm cước di chuyển và 25.000 đồng phụ phí được thể hiện rõ ràng ngay trên ứng dụng Grab, người dùng không phải trả thêm chi phí nào khác (trừ lệ phí cầu đường, bến bãi, phí dừng chờ khi đang di chuyển - nếu có).
Hệ thống sẽ thông báo thông tin tài xế (tên, biển số xe) đến người dùng 20 phút trước thời điểm thực hiện chuyến đi đã được đặt trước. Phí hủy chuyến (15.000 đồng) sẽ được áp dụng nếu khách hàng hủy chuyến xe sau 5 phút tính từ thời điểm nhận được thông báo về thông tin tài xế. Phí xe dừng chờ quá 5 phút là 15.000 đồng sẽ được áp dụng nếu tài xế đã đến điểm đón nhưng khách hàng không xuất hiện và tài xế buộc phải hủy chuyến. Grab dự kiến thử nghiệm dịch vụ này tại Hà Nội trong tháng 2 và triển khai rộng rãi trên các tỉnh, thành phố khác (có dịch vụ GrabCar) trong thời gian tới.
"Với chuyến xe hẹn giờ, chúng tôi mong muốn tiếp tục mang đến những trải nghiệm thuận tiện và thông minh hơn cho người dùng GrabCar, qua đó góp phần tạo ra một tương lai di chuyển chia sẻ, liền mạch và thông minh hơn cho khách hàng" - bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam, cho biết.
Doanh thu gọi món hàng chục tỉ đồng trong dịp Tết
Hãng GoViet vừa có tổng kết nhanh về dịch vụ gọi món dịp Tết Nguyên đán, từ ngày 17-1 đến ngày 2-2 (tức từ 23 tháng Chạp đến hết mùng 9 Tết Canh Tý). Theo đó, hãng này đã nhận tổng gần 900.000 đơn hàng ẩm thực được đặt qua nền tảng GoFood, mang lại cho các đối tác nhà hàng doanh thu hàng chục tỉ đồng, tăng 120% so với Tết 2019. Trong đó, gỏi cuốn là món ăn được người dùng đặt nhiều nhất trong dịp Tết tại TP HCM, kế đến là trà sữa và cơm gà, là những món ăn kiểu "đường phố" dễ ăn và thuận tiện.
Tại Hà Nội, cơm rang dưa bò được ưa chuộng nhất, kế đến là trà sữa trân châu và nem nướng Nha Trang. Đơn đặt hàng có giá trị cao nhất gần 3 triệu đồng là đơn hàng bánh pizza được đặt vào mùng 3 Tết của khách hàng ở Củ Chi (TP HCM) với khoảng cách giao hàng 13 km. Món ăn được người dùng đặt bất chấp vị trí nhà hàng xa là cháo vịt Thanh Đa ở TP HCM với khoảng cách giao hàng 24 km. Khoảng cách đặt món gần nhất là món trà sữa với khoảng cách 10m.