Dầu tăng 8% trong tuần, tăng mạnh nhất kể từ tháng 7
Kết thúc phiên cuối tuần, dầu Brent tăng 56 US cent lên 72,58 USD/thùng, tính chung cả tuần tăng 5,48 USD, trong khi dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 32 USD lên 67,39 USD/thùng. Như vậy cả 2 loại đều tăng 8% trong tuần qua, nhiều nhất kể từ tháng 7 năm ngoái, do lo ngại về khả năng phương Tây tiến hành quân sự ở Syria trong bối cảnh báo cáo cho thấy dự trữ dầu thế giới sụt giảm.
Tuần này giá dầu đã tăng lên mức cao nhất kể từ cuối 2014 và thứ Tư (11/4), sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa tên lửa "sẽ tới" để đáp trả việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria và Saudi Arabia cho biết đã chặn tên lửa bắn vào Riyadh. Nguy cơ hành động quân sự ở Syria có thể dẫn tới sự đối đầu giữa phương Tây với Nga tại Trung Đông.
Về yếu tố cơ bản, dư thừa dầu toàn cầu đang giảm nhanh. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC) cho biết sản lượng của nhóm trong tháng 3 giảm xuống 31,96 triệu thùng/ngày, thấp hơn 201.000 thùng/ngày so với tháng 2. Nhập khẩu dầu thô vào Trung Quốc trong tháng 3 cũng tăng lên mức cao kỷ lục thứ 2 trong lịch sử. Cơ quan Năng lượng Quốc tế cảnh báo thị trường có thể trở nên quá thắt chặt nếu nguồn cung vẫn hạn hẹp. Tuy nhiên, số giếng khoan dầu tại Mỹ ở tuần tới 13/4 đã tăng thêm 7 giếng, dưa tổng số lên 815, theo số liệu của công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes.
Vàng tăng tuần thứ 2 liên tiếp do lo ngại về Syria
Phiên cuối tuần, giá vàng tăng 0,7% lên 1.344,40 USD/ounce, tính chung cả tuần tăng gần 1%; vàng Mỹ giao tháng 6 tăng 6 USD tương đương 0,5% lên 1.347,90 USD/ounce. Đây là tuần tăng thứ 2 liên tiếp do bất ổn gia tăng ở Syria. Tuần này giá vàng có lúc lên mức cao nhất kể từ 25/1 khi căng thẳng leo thang ở Syria, Mỹ trừng phạt Nga và lo ngại chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán toàn cầu cũng như chỉ số đồng USD.
Tính từ đầu năm tới nay, giá vàng tăng mạnh nhất trong số các kim loại quý, với mức tăng trên 3% do căng thẳng quốc tế và biến động trên thị trường cổ phiếu, tuy nhiên giá vẫn chưa vượt khỏi khung tâm lý là 1.300 – 1.370 USD/ounce, lý do bởi dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nâng lãi suất thêm vài lần nữa trong năm nay, mà lãi suất tăng sẽ kìm hãm đầu tư cho những tài sản như vàng.
Bạch kim phiên cuối tuần tăng 0,4% lên 928,4 USD/ounce và cả tuần tăng 1,7% (nhiều nhất khoảng 2 tháng), palađi tăng 2,2% lên 985,40 USD/tấn, cả tuần tăng hơn 9% (nhiều nhất kể từ tháng 1/2017). Nga cung cấp hơn 40% sản lượng palađi toàn cầu, do đó việc Mỹ trừng phạt các tài phiệt Nga đẩy giá kim loại quý này tăng mạnh trở lại sau khi giảm 10% ở quý 1.
Nhôm có tuần tăng mạnh nhất kể từ khi lên sàn
Giá nhôm cao kỷ lục 6 năm trong phiên cuối tuần và có tuần tăng mạnh nhất kể từ khi đưa ra hợp đồng trên sàn, sau khi Mỹ áp lệnh trừng phạt đối với hãng Rusal của Nga – nhà sản xuất nhôm lớn thứ 2 thế giới.
Nhôm giao sau 3 tháng trên sàn London trong phiên vừa qua có lúc đạt 2.340 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 3/2012, trước khi hạ nhẹ xuống 2.285 USD/tấn vào lúc đóng cửa, giảm 1,7% so với phiên trước đó. Tuy nhiên tính chung cả tuần, giá vẫn tăng mạnh gần 12% - mức chưa từng có kể từ khi hợp đồng nhôm được đưa lên sàn, năm 1987.
Gần như toàn bộ nhôm ở Mỹ đã bị đưa ra khỏi các kho ngoại quan của sàn Comex (New York) trong tuần này. Dự trữ đã giảm khoảng 44.000 tấn xuống 11.168 tấn.
Sắt thép tăng
Giá sắt và thép tại Trung Quốc đều tăng trong phiên cuối tuần do nhu cầu mua mạnh đối với những tài sản rủi ro khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa có thêm lời đe dọa nào về việc tấn công ở Syria, và đang có ý định quay trở lại TPP. Thép cây giao tháng 10 trên sàn Thượng Hải tăng 0,6% lên 3.418 NDT (543 USD)/tấn, trong khi quặng sắt giao tháng 9 trên sàn Đại Liên tăng 0,3% lên 449,50 USD/tấn.
Dự báo nhu cầu tại Trung Quốc, nước tiêu thụ lớn nhất thế giới, sẽ tăng trong quý 2 do mùa vụ và dự trữ thép đang giảm cũng góp phần đẩy giá tăng lên. Dự trữ thép cây của các thương gia Trung Quốc giảm tuần thứ 3 liên tiếp từ mức cao nhất 5 năm là gần 10 triệu tấn hồi giữa tháng 3 xuống hiện chỉ 8,73 triệu tấn.
Đường giảm 7 tuần liên tiếp
Giá đường thô giao tháng 5 phiên cuối tuần tăng 0,03 US centg tương đương 0,3% lên 12,08%, tuy nhiên vẫn không xa mức thấp nhất 2 năm rưỡi (11,93 US cent), và tính chung cả tuần giảm 2,1%, là tuần thứ 7 giảm liên tiếp. Nguồn cung năm nay dự báo sẽ tăng mạnh ở cả Trung Mỹ, Thái Lan, Ấn Độ và có thể cả Liên minh c hâu Âu, mặc dù giá giảm khiến ngành đường EU không mấy mặn mà với cây trồng này.
Cao su tăng
Giá cao su kỳ hạn trên sàn Tokyo tăng lên mức cao nhất gần 2 tuần do yen yếu đi so với USD và lo ngại về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Hợp đồng giao tháng 9 tăng 1,8 JPY lên 184,8 JPY (1,72 USD)/tấn vào cuối phiên, sau khi có lúc chạm 185 JPY – cao nhất kể từ 2/4. Nhà phân tích Satoru Yoshida thuộc Rakuten Securities lạc quan tin tưởng cao su sẽ tiếp tục tăng lên 188 JPY vào tuần tới.
Tôm giảm
Giá tôm ở cả Thái Lan và Ấn Độ đều giảm trong tuần này và chưa có dấu hiệu chạm đáy. Tại Ấn Độ, giá đã giảm qua tháng 3 và vẫn giảm tiếp do nhu cầu của Mỹ yếu trong khi khách hàng Trung Quốc chủ yếu tìm mua các loại tôm cỡ nhỏ. Tại bang Andhra Pradesh – thủ phủ nuôi tôm của Ấn Độ, ngày 9/4 giá giảm còn 170 INR/kg loại 100 con, 200 INR/kg loại 70 con, 240 INR/kg loại 50 con và 360 NIR/kg loại 30 con. Tuy nhiên, tôm lúc này chủ yếu là loại 100 đến 80 con/kg. Dự báo phải đến cuối năm 2018 - đầu năm 2019, thị trường mới chuyển hướng tích cực.
Dầu cọ tuần giảm mạnh nhất 4 tháng
Giá dầu cọ giảm 1% trong phiên cuối tuần, là phiên thứ 5 liên tiếp giảm, sau khi Malaysia – nước sản xuất lớn thứ 2 thế giới - thông báo sẽ khôi phục thuế xuất khẩu và dự báo tăng trưởng nhu cầu sẽ chậm lại. Dầu cọ giao tháng 6 trên sàn Bursa (Malaysia) giảm 1% xuống 2.390 ringgit (618,54 USD)/tấn, đầu phiên có lúc chỉ 2.398 ringgit, thấp nhất kể từ 4/4. Tính chung cả tuần giá giảm 4,2%, mạnh nhất trong vòng 4 tháng. Đối với những loại dầu thực vật khác, giá dầu đậu tương giao tháng 5 tại Chicago phiên vừa qua tăng 0,3% nhưng cả tuần vẫn giảm 1%, giá đậu tương giao cùng kỳ hạn trên sàn Đại Liên (Trung Quốc) giảm mạnh 0,4%, dầu cọ trên sàn Đại Liên giảm 0,04%. Giá dầu cọ có thể chịu ảnh hưởng bởi xu hướng giá của những sản phẩm cạnh tranh nói trên.
Nhà phân tích Thomas Mielke dự báo giá dầu cọ thế giới có thể giảm thêm 50 USD/tấn trong vài tuần tới do sản lượng tăng. Tuy nhiên, giá sẽ tăng trở lại vào năm 2019 và 2020 do thiếu cung. Chuyên gia này của Oil World cho biết sản lượng dầu cọ thế giới trong năm tính tới tháng 9/2018 có thể ở mức 70,5 triệu tấn, tăng 3,8% so với 67,9 triệu tấn của năm 2017. Sản lượng những năm tiếp theo dự báo cũng sẽ tiếp tục tăng, nhưng với tốc độ chậm hơn, đến năm 2025 có thể đạt 86,3 triệu tấn.
Phân bón vững
Giá phân bón trên thị trường Mỹ vững vì bước vào mùa gieo trồng. Giá bán lẻ trung bình phân ammonia tại Vịnh Mỹ giao tháng 4 hiện 491,50 USD/tấn; phân urea 360,50 USD/tấn, phân phosphates 482,50 USD/tấn và potash 342,50 USD/tấn (+1 USD). Tuy nhiên, lượng chào bán nhiều nên khi giai đoạn mùa vụ qua đi, giá có thể sẽ giảm nhẹ, dự đoán ammonia có thể xuống 400 USD/tấn, urea xuống 316 USD/tấn và phosphates xuống 450 USD/tấn trong thời gian tới.
Giá một số mặt hàng chủ chốt lúc 9h sáng